Ngành Công nghiệp chỉ thực sự phát triển từ năm 1991 đến năm 2008. Trong thời kỳ này, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục, với tốc độ cao (hai chữ số), được coi là thời kỳ phát triển nhanh và ổn định.
Những năm gần đây, trong GDP của toàn bộ nền kinh tế, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đã chiếm vị trí ngày càng quan trọng. Tốc độ tăng GDP do nhóm ngành này tạo ra năm 2012 so với năm 1990 cao gấp trên 7,1 lần, tăng 9,34%/năm, cao hơn nhiều so với tổng GDP trong thời gian tương ứng (4,3 lần và 6,84%/năm). Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GDP đã tăng từ 22,67% năm 1990 lên 38,63% năm 2012. Công nghiệp đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Đạt được kết quả trên trước hết là do đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập đã góp phần giải phóng sức sản xuất, khai thác các nguồn lực ở trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng (lương thực đã có “bát ăn bát để”, có xuất khẩu với khối lượng đứng thứ hạng cao trên thế giới, nông nghiệp đã chuyển từ độc canh lúa nước sang phát triển tương đối toàn diện...), đất nước đã cơ bản ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đây là điều kiện để chuyển sang phát triển công nghiệp.
Nhà nước đã ban hanh nhiều văn bản pháp luật về doanh nghiệp, đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
Việc mở cửa hội nhập đã thu hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Khu vực FDI đã đóng góp lớn đối với nền kinh tế. Tính từ 1988 đến nay, lượng vốn FDI đăng ký đạt 258 tỷ USD, thực hiện đạt 106,6 tỷ USD; tỷ lệ vốn FDI thực hiện/tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2007- 2012 đạt 24,1%...
Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng công nghiệp đã chậm lại. Giá trị sản xuất thời kỳ 2009-2012 chỉ tăng 8,36%/năm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (chỉ số mới) cũng có xu hướng chậm lại (năm 2008 tăng 8,7%, năm 2009 tăng 7,8%, năm 2010 tăng 8,8%, năm 2011 tăng 7,3%, năm 2012 tăng 4,7%), trong đó của công nghiệp chế biến năm 2012 còn tăng thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành. Nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn ở cả đầu vào, ở cả đầu ra, do cơ cấu công nghiệp còn mang nặng tính gia công...
Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều này đòi hỏi ngành Công nghiệp cần nhanh chóng giảm tính gia công; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, đổi mới thiết bị kỹ thuật-công nghệ, đưa công nghiệp về nông thôn để chế biến nông, lâm-thuỷ sản, làm tăng giá trị gia tăng, bảo vệ và cải thiện môi trường...
Nguyên Minh (nguồn: theo Minh Ngọc, chinhphu.vn)