Nghệ An đang thiếu những dự án đầu tàu.
Theo Sở Công Thương Nghệ An cho biết, hiện toàn tỉnh Nghệ An đã hình thành nhóm ngành CNHT với khoảng 90 doanh nghiệp lớn nhỏ, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp. Thực tế, CNHT trên địa bàn tỉnh yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp CNHT trên từng ngành, lĩnh vực còn ít; yếu về năng lực vốn, công nghệ, năng lực sản xuất; phạm vi thị trường rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp này chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và chưa thu hút được nhiều các tập đoàn đa quốc gia đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ vào ngành công nghiệp mũi nhọn để làm đầu tàu thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp CNHT phục vụ cho các doanh nghiệp này.
Công nghiệp dệt may là ngành chủ lực tạo ra nhiều việc làm, mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, lĩnh vực này nhìn chung đang yếu và thiếu, các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Công nghiệp sợi, nhuộm đã rất yếu, các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong qua trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt may; các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ... có nhu cầu thay thế rất lớn, nhưng chủ yếu vẫn nhập khẩu là chính.
Đối với ngành cơ khí, đa số là các cơ sở và doanh nghiệp quy mô nhỏ, mặt bằng nhà xưởng chật hẹp, chủ yếu sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí giản đơn phục vụ nhu cầu của địa phương với công nghệ lạc hậu. Do việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ cần nguồn vốn lớn, nên các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí thường chọn phương án bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho ngành cơ khí vẫn chưa có đủ hàm lượng công nghệ cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
CNHT nhóm cơ khí phục vụ ngành nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản đã có những bước phát triển nhất định nhưng chủ yếu mới phục vụ thị trường các doanh nghiệp trong tỉnh. Các sản phẩm sản xuất còn thủ công nhiều, hàm lượng công nghệ chưa cao, mới chỉ dừng lại một số chi tiết như đúc gang (dạng phôi), nhựa, cao su; động cơ và thân vỏ khung các loại máy nổ, máy xay xát, máy bơm nước, máy cày, máy gặt đập liên hoàn; sản xuất chế tạo các loại khuôn mẫu, bồn áp lực, phụ tùng, bi nghiền, băng chuyền, các thiết bị phụ tùng cho ngành hoá chất, thiết bị đong đếm và bơm xăng dầu; sản xuất kết cấu thép gia công và chế tạo,... phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, mía đường, sản xuất xi măng, gạch ngói, khai thác chế biến khoáng sản,...
CNHT nhóm cơ khí đóng tàu hiện có các sản phẩm như vỏ lãi, xuồng, tàu, bồn nước các loại, chi tiết máy đánh bắt thủy sản, chân vịt, máy ép chân vịt, ép tôn, trục tiến tới hộp số phục vụ công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền.
Mục tiêu phát triển công nghiệp Nghệ An trong những năm tới là vừa ưu tiên các ngành có lợi thế cạnh tranh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh các ngành sản xuất thành phẩm cuối cùng… Tỉnh phấn đấu, giá trị sản xuất CNHT tăng bình quân 9- 10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10- 12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNHT trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Giai đoạn 2018-2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 doanh nghiệp CNHT chiếm từ 10 - 12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.
Để ngành CNHT cơ khí phát triển mạnh trong tương lai, Nghệ An cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn nữa để giúp các doanh nghiệp nâng cao được năng lực sản xuất, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh cần tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất, với những định hướng, mục tiêu đã đặt ra.