Quốc hội vừa chính thức ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023. Với nghị quyết này, Quốc hội đã trao quyền nhiều hơn cho TP. Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực.
Nghị quyết 98/2023/QH15 bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực.
Theo đó, về quản lý đầu tư, Thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt; vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3; thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Nghị quyết 98 cũng cho phép TP. Hồ Chí Minh được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.
Về tài chính – ngân sách, Thành phố được phép vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Bên cạnh đó, Thành phố được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác...
Nghị quyết cũng quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC); thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, ngân sách Thành phố hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon; các chính sách về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP. Hồ Chí Minh được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới. Được miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm năm đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt…
Về tổ chức bộ máy, HĐND Thành phố được phép thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm… UBND huyện thuộc Thành phố có không quá ba Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá ba Phó Chủ tịch.
Thành phố cũng được phép quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Nghị quyết 98 cũng trao quyền cho UBND TP. Thủ Đức quyết định phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư với các dự án nhóm B, C đầu tư theo phương thức PPP. HĐND TP Thủ Đức có tối đa hai phó chủ tịch, tám đại biểu chuyên trách và được thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức. UBND TP Thủ Đức có tối đa bốn Phó Chủ tịch…