Công nghệ bán dẫn là lĩnh vực cốt lõi trong những thập kỷ tới.
Ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược trên toàn cầu, với doanh thu đạt tổng cộng 520 tỷ USD vào năm ngoái và đang tăng trưởng nhanh chóng cùng với việc tái định vị thị trường sau đại dịch và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, Việt Nam có cơ hội và nguồn lực cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
“Chính phủ có kế hoạch thành lập ba trung tâm khu vực để giúp các trường đại học ở ba khu vực học hỏi các công nghệ mới. Trong giai đoạn đầu, khoảng 45 trường sẽ được lựa chọn để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước, ngang tầm khu vực và thế giới”
Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty dịch vụ thiết kế bán dẫn, hầu hết là công ty có vốn đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Hà Lan cùng nhân lực tuyển dụng 5.000 kỹ sư. Các doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT,... cũng đang tích cực tham gia vào thị trường bán dẫn và theo dự đoán Việt Nam có thể sẽ vượt 6,1 tỷ USD về giá trị trong năm nay, tuy nhiên theo chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hàng năm từ 20 đến 30 tỷ USD. Để làm được điều đó, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư, gấp 10 lần con số hiện nay.
Hiệu trưởng của trường Đại học Cần Thơ, PGS. TS. Trần Trung Tính chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng mời các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo dựa trên nhu cầu của họ. Sinh viên có thể học cả chương trình giảng dạy của trường và chương trình của doanh nghiệp. Bằng cách đó, họ có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp”.
PGS. TS. Trần Trung Tính - Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ.
Hiện nay, các trường học và doanh nghiệp đang hợp tác với nhau để đào tạo các kỹ sư có trình độ như việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các khóa đào tạo cho 500 đến 600 kỹ sư chip và bán dẫn mỗi năm và cấp học bổng cho sinh viên, kỹ sư tài năng. Ông Trịnh Khắc Huệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam, cho biết các chương trình này được doanh nghiệp đánh giá cao. “Các chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để sau khi đào tạo, các kỹ sư có thể gia nhập ngay vào ngành bán dẫn trong nước.”
Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực vì thế hệ trẻ có năng khiếu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đó chính nền tảng cho việc thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Để nâng cao trình độ của lực lượng lao động và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cho riêng mình và hướng tới việc bắt tay hợp tác quốc tế.
“Hợp tác quốc tế trong đào tạo là vô cùng quan trọng vì nó giúp chúng ta tiếp cận được những công nghệ tiên tiến và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi hỗ trợ học phí cho sinh viên”, ông Trần Thế Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn cho biết.
Việt Nam đang tập trung phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn nhằm đạt mục tiêu tham gia chuỗi giá trị ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2050.