Dựa trên kết quả bán hàng này, VAMA đã nâng dự báo lượng xe ô tô có thể tiêu thụ của cả năm 2013 lên 115.000 xe, so với đánh giá là 109.000 xe dựa vào tình hình tiêu thụ của tháng 8/2013.
Kết quả kinh doanh có chiều hướng tốt lên, nhưng sự lạc quan cũng đi kèm với cẩn trọng, vì có nhiều yếu tố chưa ổn định, như kinh tế còn khó khăn ảnh hưởng tới tăng trưởng của thị trường.
Với thực tế thuế nhập khẩu sẽ chỉ còn 0% vào năm 2018 và nhiều hãng đang tăng số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc, liệu họ còn muốn đầu tư cho sản xuất ở Việt Nam?
Tôi nghĩ là có nhiều hãng muốn đầu tư vào Việt Nam vì thị trường vẫn rất tiềm năng. Nhưng việc đầu tư không chỉ tính 1 - 2 năm, mà phải tính lâu dài và cần có chính sách ổn định và dự báo được.
Ngành ô tô hiện gặp nhiều khó khăn vì những thay đổi bất ngờ của chính sách và thuế. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng vào những đối thoại với Chính phủ và các cơ quan chức năng, để có được chính sách rõ ràng, ổn định, tầm nhìn thống nhất và dài hạn.
Đơn cử, Ford Motor đã đầu tư vào Việt Nam hơn 100 triệu USD, nên luôn dõi theo thị trường này sẽ phát triển trong dài hạn, để có thể tiếp tục đầu tư nữa. Bởi vậy, Chính phủ nên đánh giá kỹ các tác động của việc thay đổi chính sách, thay đổi thuế đối với hoạt động của ngành, không phải chỉ tại thời điểm đó, mà phải nhìn dài hạn.
Mặt khác, chúng tôi muốn nhấn mạnh về sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng với chính sách phát triển ngành, để không làm mất thời gian cho sự phát triển khi chính sách được đưa ra.
Một số ý kiến cho rằng, với tình hình hiện nay, sẽ chỉ còn 3 hãng ô tô còn hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về phỏng đoán này?
Cũng có nhiều lời đồn thổi và phỏng đoán về tương lai của các hãng xe ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, VAMA đang cố gắng để giảm chi phí và giá thành sản xuất tại Việt Nam, bởi như vậy mới có cạnh tranh để tồn tại và phát triển sản xuất được. Nếu không coi Việt Nam là một thị trường tốt và có cơ hội phát triển, thì các hãng đã không đầu tư nhiều chục triệu USD, thậm chí cả trăm triệu USD trong thời gian qua.
Tới năm 2018, thuế nhập khẩu không có tác dụng với xe nhập khẩu nữa. Bởi vậy, thu hút đầu tư, tạo thêm công ăn, việc làm cho lao động Việt Nam sẽ tốt hơn là phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhưng để tạo môi trường sản xuất tốt hơn, chi phí sản xuất rẻ và hấp dẫn, khiến các hãng ở lại và đầu tư thêm, thì chỉ có Chính phủ mới làm được.
Một nước nhập khẩu sẽ rất bất lợi, phải trả thêm nhiều chi phí về vận tải, không có sự chủ động, phải đặt hàng trước và nếu mẫu mã thay đổi liên tục, thì sẽ có nguy cơ tồn đọng hàng. Ngoài ra, sẽ không có thêm việc làm cho người lao động, hay các đào tạo chuyển giao công nghệ.
Vì vậy, Chính phủ cần một cái nhìn dài hạn, coi Việt Nam là một thành phần phát triển trong ASEAN, không phải chỉ cạnh tranh trong nội địa, mà còn phải trong ASEAN và mở rộng ra nữa, trong các khu vực thương mại lớn hơn mà Việt Nam tham gia. Nghĩa là để tồn tại trong môi trường cạnh tranh ấy, chúng ta phải giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng và chơi theo luật quốc tế.
Quy hoạch Phát triển ngành ô tô Việt Nam đang được cập nhật cho phù hợp với thực tế. VAMA đánh giá thế nào về Dự thảo Quy hoạch mới được đưa ra?
Bất cứ chính sách gì về ngành nên có sự đồng thuận và tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc của WTO và các khu vực thương mại tự do mà Việt Nam đang và sắp tham gia.
Chúng tôi không muốn Chính phủ ra một chính sách khác biệt với các nguyên tắc của sân chơi chung, để rồi dẫn tới tình trạng, sau 1-2 năm thực hiện, lại bị các nước đối tác phản ứng và phải thay đổi cho phù hợp với các nguyên tắc của WTO và các sân chơi chung khác.
Điều này sẽ dẫn tới tình trạng, nhà đầu tư đã lỡ đầu tư theo hướng chính sách kia sẽ bị dở dang và gặp nhiều khó khăn khi phải xoay xở lại.
Theo ông, bao giờ giai đoạn ‘ô tô hoá’ sẽ đến Việt Nam?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi đạt mức 50 xe ô tô trên 1.000 người, thì thị trường bước vào giai đoạn ô tô hoá. Hiện nay, Việt Nam đang đạt mức 22 xe trên 1.000 người.
Để nói mất bao nhiêu năm nữa Việt Nam sẽ đạt được 50 xe/1.000 dân là rất khó, bởi điều này phụ thuộc vào các chính sách thuế và thu nhập bình quân trên đầu người. Khi Chính phủ có chính sách thuế hợp lý, thì số người dân sở hữu xe tăng lên và khi thu nhập bình quân trên đầu người tăng, thì sản lượng lại tiếp tục được tăng thêm.