PGS, TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Thưa PGS, bức tranh chung về nguồn nhân lực hiện nay của nước ta phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ là như thế nào?
Đặc thù của nền công nghiệp phụ trợ là các ngành sản xuất chế tạo, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng được một số đặc điểm như: Cập nhật công nghệ mới, tương thích về mặt chất lượng, trình độ để hỗ trợ nhau, tạo ra các chuỗi sản phẩm. Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo hay là điện tử, ô tô, đều đang thiếu, không những thiếu mà còn đang chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp để tạo ra các chuỗi sản phẩm cung ứng cho các tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Trong những năm qua, các trường đại học của Việt Nam cũng chưa thực sự linh hoạt trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng đang dần được cải thiện và có những đổi mới. Tương lai gần, chúng ta sẽ bắt kịp yêu cầu và xu hướng thế giới trong đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ và đáp ứng yêu cầu nhân lực toàn cầu.
Vậy theo thầy, chương trình đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay đã mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp hay chưa?
Có thể nói, ở góc độ quản lý Nhà nước, với sứ mạng và tầm nhìn của một trường đại học, cao đẳng thì chương trình đào tạo đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bởi vì, khi đánh giá sẽ trên cơ sở, góc nhìn mục tiêu, sứ mạng và tầm nhìn cũng như chuẩn đầu ra của các trường khi xây dựng chương trình đào tạo. Ví dụ như ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, là một trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, thì khi xây dựng chương trình đào tạo, mục tiêu là các doanh nghiệp sản xuất cần nguồn nhân lực như thế nào, phân khúc nguồn nhân lực và vị trí việc làm khi sinh viên ra trường xác định ở đâu… Nhờ đó mà các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế linh hoạt, phù hợp.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Theo PGS, việc liên kết giữa trường đại học, viện, doanh nghiệp hiện nay đã thực sự tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng nhu cầu công việc hay chưa?
Hiện nay, vấn đề mối liên kết giữa trường đại học, viện với doanh nghiệp là vấn đề cần quan tâm trong dài hạn, ở đây không những là vấn đề định hướng của Nhà nước về mặt pháp luật, mà quan trọng nhất đó là vấn đề quyền lợi tự thân của các tổ chức này. Các trường, viện và doanh nghiệp phải tự thấy được quyền lợi của mình trong việc liên kết với nhau để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng xác định: Mối quan hệ với doanh nghiệp rất quan trọng, gắn liền với chương trình đào tạo của Nhà trường, vì chúng tôi xác định nguồn nhân lực đào tạo ra phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi lấy ý kiến, khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, lấy ý kiến của các chuyên gia về chương trình đào tạo có phù hợp với nhu cầu của xã hội hay không.
Bên cạnh đó, trên cơ sở lấy ý kiến của doanh nghiệp, nhà trường xác định chuẩn đầu ra và xây dựng kiến khối kiến thức, kỹ năng, để từ đó xây dựng các môn học phù hợp. Vì vậy, mối quan hệ lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp, ngoài sự định hướng hỗ trợ của Nhà nước, thì các tổ chức này phải thấy được quyền lợi thực sự khi hợp tác với nhau, để từ đó cùng nhau phát triển.
Cần có những giải pháp nào trong việc liên kết hay tìm nguồn hỗ trợ bên ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?
Giải pháp thứ nhất: chương trình đào tạo phải thiết kế lại để phù hợp với xu thế quốc tế và đặc biệt là đáp ứng được với nhu cầu của doanh nghiệp. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang dùng quy trình CDIO của Mỹ để thiết kế lại chương trình, trong đó có những khâu mà chúng tôi phải khảo sát từ doanh nghiệp và cũng mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường.
Giải pháp thứ hai: Nhà trường luôn tạo cơ hội và điều kiện để sinh viên được đến gần hơn với doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo việc làm, hội thảo tư vấn tuyển dụng…
Giải pháp thứ ba: Nhà trường giúp sinh viên được thực tập trên hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, được trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực tế để tiếp cận sự phát triển của công nghệ mới, để sau này khi ra làm tại doanh nghiệp, sẽ không bị bỡ ngỡ, lạc hậu.
Giải pháp thứ tư: Các thầy cô cần phải thay đổi tư duy và phương pháp đào tạo phù hớp với xu thế thời đại, nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ bằng kiến thức và còn phải là người huấn luyện viên, truyền cảm hứng cho sinh viên, để sinh viên thực sự học và đam mê ngành, nghề mình chọn, để đủ tự tin theo đuổi ước mơ.
Xin cảm ơn về chia sẻ của PGS,TS. Trần Đức Quý!