Thực tế của Hải Phòng và cả nước cho thấy, có những thời kỳ, ngành cơ khí được đặt ở vị trí rất quan trọng. Nhưng từ khi chuyển sang cơ chế kinh tế mới, nhất là những năm gần đây, sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp phải tự tìm lối thoát bằng mọi cách, làm chậm bước tiến vốn có của ngành, làm mai một lực lượng cán bộ kỹ thuật… Những yếu kém trên, dẫn tới một thực trạng là phụ thuộc vào nguồn máy móc, thiết bị nhập khẩu, trong khi có nhiều loại, doanh nghiệp trong nước có thể đảm đương…
Cần những giải pháp phù hợp
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng, trong giai đoạn hội nhập, vẫn rất cần có bàn tay của Nhà nước nhằm thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển ngành cơ khí, thể hiện trong cơ chế chính sách và lộ trình, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà thầu hoặc tổ hợp nhà thầu trong nước phát huy tối đa năng lực, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, rà soát, sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng máy móc thiết bị trong dây chuyền thiết bị của dự án cần được phân ra phần thiết bị chính bảo đảm chất lượng công nghệ cao được đấu thầu quốc tế, có chỉ định xuất xứ hàng hóa. Còn phần thiết bị phụ, kết cấu thép có khả năng chế tạo trong nước, nên sử dụng vật tư, sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp cơ khí. Bên cạnh đó là những giải pháp thiết thực về tư vấn thiết kế và công nghệ; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm… Cần nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ công nghệ tiên tiến, sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của toàn ngành công nghiệp; đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản như: đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị, đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.
Đối với Hải Phòng, quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 đã định hướng khá rõ nét về ngành cơ khí chế tạo. Theo đó, thành phố phát triển ngành cơ khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó tập trung nhiều cho lĩnh vực cơ khí hạng nặng trong các ngành sửa chữa và đóng mới tàu thủy; chế tạo thiết bị phục vụ cảng; phương tiện vận tải hạng nặng đường bộ và đường sắt; sản xuất các cấu kiện kim loại siêu trường, siêu trọng; các loại cấu kiện phức tạp; máy móc phục vụ xây dựng cơ bản; phục vụ chế biến thủy hải sản, thực phẩm và máy công cụ chuyên dùng khác; nâng cao trình độ phát triển sản xuất ở các ngành cơ khí hiện có như chế tạo thiết bị điện (cáp điện, quạt điện…); điện tử (rô- bốt); phương tiện vận tải hạng nhẹ; xe máy các loại… Định hướng này được phân kỳ theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có những yêu cầu cao hơn về chủng loại sản phẩm cũng như công nghệ.
Như vậy, thành phố có sự rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với định hướng phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất trong lĩnh vực cơ khí; kêu gọi sự đầu tư vào lĩnh vực cơ khí của các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi nhất định đối với các doanh nghiệp cơ khí của thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp chuyên sâu
Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng. Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ, chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản đã được thành phố chỉ đạo xúc tiến xây dựng từ cuối năm 2011. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án trình UBND thành phố. Cuộc hội thảo lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia từ các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia Nhật Bản được tổ chức giữa tháng 6- 2012. Cuối tháng 9, cơ quan soạn thảo hoàn thiện bản đề án báo cáo UBND thành phố xem xét, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều đáng lưu ý là hầu hết ý kiến tham gia về xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu của Hải Phòng đều đưa ra lời khuyên nên tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chung của Nhật Bản là trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn cần xây dựng ngành công nghiệp chế tạo nhằm tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm và chuyển dần từ công nghệ gia công, lắp ráp sang sản xuất, chế tạo. Điều thuận lợi là Nhật Bản đã khảo sát và chọn Hải Phòng là địa điểm thích hợp với chế tạo cơ khí vì có cảng nước sâu để xuất khẩu hàng hóa. Hơn nữa, đối với ngành cơ khí, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực này đang hoạt động mạnh tại Việt Nam như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam… Các doanh nghiệp này tạo ra một thị trường lớn cho việc sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử và cơ khí tại Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản, tiến tới xuất khẩu. Nhật Bản lại là nước công nghiệp phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí đều yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Nhật Bản (tiêu chuẩn JIS). Do đó, để phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí tại Việt Nam cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp của Nhật Bản tại Việt Nam và tiến tới xuất khẩu, sự giúp đỡ về máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính của Nhật Bản là hết sức quan trọng. Và như vậy, khi Hải Phòng đã được các nhà đầu tư Nhật Bản chọn lựa càng nên xúc tiến đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển mô hình khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu về cơ khí chế tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, kèm theo là khu nhà ở theo tiêu chuẩn của Nhật Bản để người Nhật sử dụng. Các sản phẩm dự kiến sản xuất trong Khu công nghiệp chuyên sâu do Bộ Công Thương gợi ý là chế tạo khuôn mẫu, đồ gá; dụng cụ- dao cắt; máy gia công cơ khí, máy hàn, dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí; chi tiết máy (bulon, ốc vít chịu lực, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại; hộp, vỏ máy, chi tiết đột dập; hộp biến tốc; xi lanh thủy lực; thiết bị điều khiển tự động; phụ tùng máy công cụ; phụ tùng máy động lực và nông nghiệp…); thép chế tạo…
Như vậy, với việc có định hướng rõ nét, có cơ chế chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ khí và đặc biệt là mô hình Khu công nghiệp hỗ trợ, chuyên sâu về cơ khí chế tạo để thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, sẽ là những bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng, đưa ngành này trở lại với vị trí quan trọng hàng đầu trong phát triển công nghiệp của Hải Phòng tới năm 2025 và cả những năm sau.
Minh Huệ (nguồn: theo Hồng Thanh, http://baohaiphong.com.vn)