Cần nhiều chính sách hỗ trợ để ngành cơ khí phát triển.
Nhiều thành quả được ghi nhận
Đi đầu trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị công nghệ mới trong sản xuất là TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). TCty này được Nhà nước giao chủ trì thực hiện một số dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện, máy xây dựng để phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo trên 70% về khối lượng và 40% về giá trị. Hầu hết các kết quả của dự án đã được ứng dụng trong thực tế.
Tương tự, trên cơ sở định hướng phát triển đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, với ba lĩnh vực chính “cơ khí - lắp máy - xây dựng”, TCty Cơ khí Xây dựng (COMA) đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển dài hạn để nâng cao năng lực chất lượng sản phẩm cơ khí và đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo thiết bị trong nước, đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm ghi được dấu ấn trên thương trường với chất lượng hoàn toàn thay thế hàng nhập khẩu.
Một đại diện ở địa phương, Cty Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí xây dựng chế tạo phôi, gia công, nhiệt luyện, lắp ráp để chế tạo các thiết bị nâng hạ phục vụ các công trình trọng điểm của Nhà nước như nghiên cứu thiết kế, chế tạo cổng trục một dầm có tải trọng 200 tấn, 300 tấn, 450 tấn. Các thiết bị này đã được ứng dụng tại các Cty đóng tàu, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trong quá trình sử dụng, chất lượng thiết bị được minh chứng là không kém của nước ngoài và được đánh giá rất cao…
Điển hình nhất, Cty Cơ khí Quang Trung đã chế tạo thành công cầu trục gian máy với sức nâng tấn cho công trình thủy điện Sơn La. Đây là chiếc cẩu lớn nhất Việt Nam và khu vực, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo với tỷ lệ nội địa hóa đạt 90%.
Ngoài các đơn vị lớn thể hiện vai trò đi đầu trong lĩnh vực cơ khí xây dựng nói trên, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học cũng đã góp những công trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo các máy móc và thiết bị phục vụ trong lĩnh vực cơ khí xây dựng. Trong đó, có thể kể đến Viện Nghiên cứu cơ khí, Đại học Xây dựng Hà Nội, Học Viện kỹ thuật Quân sự…
Với những kết quả nêu trên, các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí xây dựng đã góp phần thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển, đáp ứng được một phần nhu cầu trong lĩnh vực Xây dựng và sản xuất của đất nước.
Vẫn cần thêm những “cú hích”
Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành cơ khí xây dựng cũng còn nhiều hạn chế, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế sản xuất.
Hiện tại vẫn còn hàng chục cần cẩu lớn nhỏ, hàng trăm tấn thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ các ngành đóng tàu, thủy điện, dầu khí vẫn chưa phát triển thành các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Do chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước cho nên các DN, nhà thầu xây dựng phải dựa vào nguồn máy móc thiết bị nhập khẩu gây lãng phí nguồn ngoại tệ của đất nước và hạn chế sự phát triển của các DN cơ khí xây dựng Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch Hiệp Hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ông Vũ Khoa nhận định: “Do ngành cơ khí trong nước chưa sản xuất được nên các nhà thầu trang bị máy móc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể như nhập cần trục của Pháp, máy đào máy ủi của Nhật, Đức, máy làm gạch block của Tây Ban Nha, máy xúc lật của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Không những thế, trong quá trình vận hành, chi phí bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị này rất cao do phải mua phụ tùng thay thế của chính hãng. Đấy là chưa kể, nhiều khi vì tiết kiệm và thiếu kinh nghiệm nhà thầu còn có thể bị lừa mua phải máy đã bị thay thế phụ kiện, máy cũ sơn mới lại…”.
Để có thể làm chủ và phát triển mạnh hơn nữa ngành cơ khí xây dựng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu có trình độ cao của các DN, cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất, vẫn rất cần phải có thêm sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đề xuất của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, để các nhà sản xuất trong nước có thể phát triển, trước hết cần có quy hoạch định hướng cụ thể chi tiết cho ngành. Chính phủ ưu tiên cho các nhà thầu trong nước được làm tổng thầu EPC, quy định chi tiết tỷ lệ thiết bị máy móc nội địa được sử dụng trong thi công. Các DN trong nước có thể lựa chọn hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài để tiếp nhận và sử dụng thành tựu công nghệ hiện đại nhất, sản xuất từng hạng mục sản phẩm thay thế hàng nhập ngoại.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác nghiên cứu và đào tạo, thành lập trung tâm chuyên môn, viện nghiên cứu, phòng nghiên cứu trọng điểm... Nhà nước cũng cần hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ mua bản quyền, ưu tiên dự án công nghệ cao….
Đi đôi với các giải pháp đó là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn vay và giảm thuế cho các sản phẩm máy xây dựng chế tạo trong nước, đánh thuế nhập khẩu cao đối với các máy nhập khẩu ở nước ngoài. Đồng thời Nhà nước và Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất máy xây dựng trong quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá cơ hội đầu tư tại các sự kiện triển lãm, các diễn đàn trong khu vực và quốc tế từ đó góp phần vực dậy ngành cơ khí xây dựng Việt Nam.
Việt Anh (nguồn: Theo Danh Tùng http://www.baoxaydung.com.vn/)