Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Phóng viên: CNHT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Vì vậy, việc phát triển CNHT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam. Xin ông cho biết cụ thể về cơ chế chính sách phát triển CNHT đã được ban hành?
Ông Phạm Tuấn Anh: Ở Việt Nam, do sự phát triển tương đối chậm trễ của ngành CNHT mà thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” mới xuất hiện và được nghiên cứu từ năm 2000, được sử dụng chính thức từ năm 2004, chủ yếu trong các Chỉ thị, Công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN, ngày 31/07/2007 của Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 có định nghĩa “CNHT là hệ thống các cơ sở sản xuất và công nghệ sản xuất các sản phẩm đầu vào là nguyên vật liệu, linh phụ kiện, phụ tùng... phục vụ cho khâu lắp ráp các sản phẩm công nghiệp cuối cùng”. Khái niệm này được làm rõ hơn trong Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Theo đó, “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng; sản phẩm CNHT, bao gồm: vật liệu, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.
Những năm gần đây, trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CNHT, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển ngành này, như: Luật Đầu tư (năm 2014) và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã quy định, CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cũng đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (năm 2014)…
Để CNHT Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT với 06 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi sau: dệt - may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư và tiền thuê đất…
Đến ngày 18/01/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 08/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Cụ thể, Nghị quyết số 115/NQ-CP đặt mục tiêu, đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng đầy đủ 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Phóng viên: Ngành CNHT của Việt Nam đã có những bước tiến phát triển rõ nét nhờ sự quan tâm và hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách. Năng lực doanh nghiệp CNHT Việt trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã có những tiến bộ nhất định. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước mới có thể tăng tỷ trọng thu mua phụ tùng, linh kiện và nguyên liệu trong nước, giúp Việt Nam cải thiện được giá trị đóng góp và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Anh: Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, khoảng 30% doanh nghiệp CNHT đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể theo từng ngành hàng, ngành dệt may da giày có 64% doanh nghiệp CNHT cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước chiếm 52%, và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; ngành điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp CNHT của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với ngành cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; Linh kiện xe đạp, xe máy; Linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; Dây cáp điện; Linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; Săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Một ví dụ rõ nét của ngành CNHT Việt Nam có thể nhìn từ trường hợp Samsung. Tính đến nay, số lượng nhà cung ứng cấp 1 tăng từ 35 năm 2018 lên 51 doanh nghiệp Việt Nam, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 năm 2018 lên 206 doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, 257 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Samsung đã khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình với việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sắp khánh thành cuối tháng 12 tới đây. Ngoài Samsung, Toyota Việt Nam công bố đạt từ 7-37% tỷ lệ nội địa hoá tùy từng mẫu mã. Các tập đoàn lớn khác như Panasonic, LG, Bosch, Marsk… cũng triển khai các kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Chính phủ cũng như sự nỗ lực cải tiến của các doanh nghiệp Việt Nam, số lượng nhà cung cấp Việt Nam này hứa hẹn tăng trưởng trong thời gian tới.
Phóng viên: Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT đã đặt mục tiêu, năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn được coi là mục tiêu có nhiều thách thức với ngành CNHT trong nước, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Tuấn Anh:
Mặc dù, nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; Công nghiệp phát triển thiếu tính bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, CNHT thời gian qua đã đạt kết quả tích cực với nhiều bước phát triển khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực tự chủ sản xuất của các ngành công nghiệp nội địa.
Do đó, mục tiêu đặt ra là có cơ sở, số liệu được tính toán kỹ lưỡng từ dữ liệu thực tiễn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề và được nghiên cứu, lấy ý kiến sâu rộng của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trên toàn quốc. Đây đúng là các chỉ tiêu lớn và thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về phát triển CNHT trong giai đoạn 5, 10 năm tới. Nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp CNHT Việt Nam nỗ lực phấn đấu, phát triển đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
Hy vọng, với 07 nhóm giải pháp trọng tâm nêu ra tại Nghị quyết sẽ là tiền đề cho các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đưa ra nhiều chính sách, chương trình, đề án cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại của ngành, tạo ra giá trị gia tăng cao và sớm đạt mục tiêu đề ra.
Đến nay đã có 257 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung.
Phóng viên: Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu thời gian gần đây khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, cho thấy cơ hội để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bao giờ lớn như hiện nay. Vậy, Bộ Công Thương đã có giải pháp gì tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, thúc đẩy liên kết, giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Anh: Phát triển nội lực ngành công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Chính phủ. Theo đó, CNHT được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, điểm nhấn trong đó là chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất lên đến 5%, thành lập các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển, kết nối, tư vấn cải tiến nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho các địa phương có tiềm năng phát triển CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo xây dựng, ban hành và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2017, với 05 nội dung chính, bao gồm: Kết nối, tư vấn đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản xuất thử nghiệm, thông tin và truyền thông.
Để giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung, Toyota) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp CNHT trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cùng với đó, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp. Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh CNHT để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên.
Bộ cũng đã nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật về phát triển công nghiệp để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, là cơ sở tốt hơn để phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, CNHT huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!