Hàn Quốc: Từ chim bói cá... đến chúa sơn lâm
Giáo sư Johng - IHL Lee -Giám đốc điều hành Trung tâm quốc tế về chính sách đổi mới và phát triển khu vực ĐH SUNY (Hàn Quốc) - cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc khởi đầu chậm hơn Nhật Bản 50 năm, chậm hơn Mỹ 100 năm. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc sản xuất linh kiện bán dẫn chủ yếu gia công cho Nhật. Một nhà kinh tế người Nhật đã nhận xét: nền kinh tế Hàn Quốc chỉ như một chú chim bói cá, thiếu sự ổn định vì quá lệ thuộc vào nước ngoài. Thế nhưng, chỉ sau hơn 10 năm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, từ con số 0 ban đầu, nay Hàn Quốc đã đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, đứng thứ 5 về CNHT và đang là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về CN điện tử.
Việt Nam cũng bắt đầu tiếp xúc với CNHT từ năm 2003, khi Công ty ôtô Daewoo đến đặt hàng sản xuất ốc vít. Tuy nhiên, sự vụ không thành, nguyên nhân không phải là DN Việt Nam không làm được mà vì, nếu sản xuất theo yêu cầu chất lượng, giá cả của Daewoo thì phải đầu tư lại thiết bị công nghệ, giá thành vì thế sẽ cao hơn, trong khi DN không được nhà nước hỗ trợ.
Một cán bộ của Bộ Công Thương cũng cho biết, Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với tổng số vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực điện tử và CNHT gần 8 tỷ USD. Theo kế hoạch, mỗi năm Samsung sản xuất 250 triệu điện thoại tại Việt Nam, số ốc vít đặt hàng lên tới khoảng 5 tỷ chiếc. Trên thế giới có 93 DN hỗ trợ cung cấp vật liệu phụ tùng cho Samsung, trong đó Việt Nam có 7 DN, nhưng thực chất cũng chỉ cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì. Nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam chưa có chiến lược phát triển CNht tầm quốc gia để tạo ra sản phẩm số lượng lớn. Hiện Samsung mua ốc vít của một DN FDI Hàn Quốc với giá 50-60 đồng/chiếc. Với mức giá như vậy, không DN Việt Nam nào có thể cạnh tranh nổi. Bởi lẽ, dây chuyền sản xuất của Hàn Quốc là tự động hoàn toàn, mọi quy trình sản xuất đều được tối ưu hóa. Đây lại chính là điểm yếu của các DN Việt Nam. Rõ ràng, nếu DN không nâng cao được năng suất, hạ giá thành thì khó có thể len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không thể phát triển được CNHT trong nước, Việt Nam cũng sẽ chỉ là chú chim bói cá, phụ thuộc vào nước ngoài, sức cạnh tranh bị suy giảm, khó phát triển kinh tế bền vững.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy CNHTcần phải có chính sách ưu đãi cho vay vốn tùy từng lĩnh vực ưu tiên. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Việt Nam cần tập trung vào một vài sản phẩm CNHT cụ thể để tạo ra những doanh nghiệp có tiềm lực, công suất lớn. Các địa phương cũng nên thành lập các loại quỹ phát triển CNHT thay vì chờ trung ương
Việt Nam: cần tìm hướng đi riêng
Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều mà vẫn không có DN trong nước nào đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm CNHT. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là chính sách phát triển CNHT chưa có đột phá, năng lực sản xuất, kinh nghiệm quản lý của DN còn yếu nên chưa tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo GS Lee, muốn phát triển CNHT, trước hết phải chú ý nguồn nhân lực, từ chuyên gia cao cấp đến người thợ đều phải đào tạo liên tục. Phải tạo cơ sở hạ tầng, có nền tảng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, biết hướng tới thị trường trong tương lai, trong đó, góc nhìn của lãnh đạo có vai trò quyết định. Tất nhiên, không phải cứ quan tâm là thành công mà phải biết kết hợp DN nhỏ và DN lớn, kết hợp các ý tưởng... Ở Hàn Quốc có hẳn 1 luật riêng về phát triển CNHT, có tới 6 viện nghiên cứu tham gia xây dựng quy hoạch CNHT. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ DN từ khâu đào tạo nhân lực đến thương mại hóa các thành phẩm. Để đảm bảo uy tín, các sản phẩm muốn bán phải có chứng chỉ chất lượng do trung tâm đo lường quốc gia cấp. Theo GS Lee, điều quan trọng là không nên nóng vội. Bởi vì, để làm nhà thầu cung cấp đinh vít cho Toyota, DN Nhật mất khoảng 5 năm đầu tư, DN Hàn Quốc phải 3 năm. “Vì vậy, Việt Nam không thể một sớm một chiều. Vấn đề là phải có cách nhìn chiến lược ngay từ bây giờ. Trong điều kiện thực tế hiện nay, DN Việt Nam không nên theo đuổi các tập đoàn lớn mà nên bắt tay với các DN nhỏ và vừa” - GS Lee khuyến cáo
Theo số liệu điều tra của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản, số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm CN của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng CN, trong khi ở Trung Quốc, Thái Lan, tỷ lệ nội địa hóa chiếm 50 - 60%. Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ các nước tiên tiến có ngành CNHT phát triển là vì nhà nước đầu tư rất lớn với mức đầu tư trở lại 10% số thu ngân sách từ những ngành này để thúc đẩy phát triển. Trong khi ở Việt Nam, việc phát triển CNHT chủ yếu trên tinh thần “phát huy nội lực” của các DN và các nhà nghiên cứu. Năm 2011, Việt Nam chính thức ban hành chính sách phát triển CNHT, tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, số DN được hưởng ưu đãi chưa nhiều. Các DN đang kỳ vọng thời gian tới, khi chính sách được điều chỉnh, nền CN hỗ trợ của Việt Nam sẽ thực sự khởi sắc.
DK (nguồn: theo Ngọc Loan, baocongthuong.com.vn)