Theo nhiều chuyên gia, DN thì tình hình này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài, đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp ôtô không thể phát triển được. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ sự chậm trễ của chính sách, hoặc kết hợp một phần nào đó là chất lượng của các bản quy hoạch có xuất phát điểm từ sự nghiên cứu, đệ trình từ các bộ, ngành.
Chưa kịp mừng ...
Như chúng tôi đã từng đề cập về việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã làm cho nhiều DN trong lĩnh vực này rất mừng. Chưa nói về vấn đề chất lượng và tính hiệu quả, tính phù hợp của chất lượng chiến lược, quy hoạch ngành được đề ra, nhưng với DN thì ít nhất là họ có được một định hướng rõ ràng, cụ thể trong hoạt động của doanh nghiệp mình. Tại sao lại nói như vậy? Vì xét về mặt thời gian, chỉ riêng việc ra đời bản chiiến lược và quy hoạch này cũng đã kéo dài tới gần 5 năm – một thời gian quá dài, đến mức nói như một chuyên gia cao cấp và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi so sánh với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô ở một số nước trong khu vực thì khoảng thời gian đó đủ để một ngành công nghiệp có những bước tiến dài. Lấy ví dụ cụ thể của Thái Lan và Indonesia thì trong khoảng thời gian gần 5 năm, khi chúng ta đang loay hoay với việc đưa ra bản chiến lược và quy hoạch trên, ngành công nghiệp ôtô của họ đã bước qua giai đoạn phát triển cơ bản trong sản xuất ô tô với đủ các chủng loại, phân khúc xe từ xe du lịch, xe thương mại… và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thực hiện sản xuất xe thân thiện với môi trường...
... Lại vội lo
Hầu hết các DN sản xuất, lắp ráp ô tô lẫn người tiêu dùng đang trông chờ vào những giải pháp, chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp, thị trường ô tô từ các bộ, ngành.
Quy hoạch ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe khách, xe tải thông dụng, một số loại xe chuyên dùng và VN phấn đấu trở thành nơi cung cấp linh kiện, phụ tùng, một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô của thế giới. Mục tiêu đó là cần thiết. Vấn đề là ai sẽ sản xuất, lắp ráp, phân phối để đạt được những mục tiêu trên? Doanh nghiệp nào sẽ trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng, một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô của thế giới ? Chưa có câu trả lời và những giải pháp cụ thể. Tương tự là mục tiêu giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng 30 - 40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, chế tạo được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ôtô thế giới… nhưng ai làm, DN nào làm, chính sách cụ thể như thế nào thì không thấy nêu ra. Bên cạnh đó, hàng loạt các tiêu chí cụ thể như ưu tiên xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường… vẫn chưa thấy đề cập, dù nêu ra một cách nhấn mạnh, mạnh mẽ…
Trên thực tế, những vấn đề nêu trên đã được các DN đề cập nhiều và rất cụ thể, nhưng đại diện Bộ Công Thương cũng như Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển của bộ Công Thương – đơn vị soạn thảo chiến lược và quy hoạch nêu trên cũng chỉ nói rằng sẽ tiếp tục tập hợp, thảo luận và nghiên cứu đưa ra những giải pháp và chính sách cụ thể, nhưng không hề đề cập đến thời gian. DN đã chờ rất lâu – gần 5 năm để có được chiến lược và quy hoạch mới về ngành công nghiệp ô tô. Vậy, liệu họ sẽ phải chờ bao lâu để có được những chính sách và giải pháp cụ thể từ các Bộ, ngành ? Đó là chưa tính đến chất lượng, tính thực tiễn, tính hiệu quả của các chính sách và giải pháp đó. Giải pháp hiện nay là vẫn tiếp tục chờ.
Trong việc đưa ra chiến lược phát triển ngành, bất cứ ngành nào, bao gồm cả ngành ô tô thì mục tiêu luôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng để đạt được điều đúng đó thì quan trọng nhất phải làm gì và làm như thế nào ? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào sự nghiên cứu, tính thực tế, sự tập hợp ý kiến từ các DN của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý – những người làm chính sách. Nói một cách khác thì khi đã có chiến lược thì sẽ có quy hoach. Và có quy hoạch thì sẽ có những giải pháp cụ thể. Nhưng trong trường hợp này thì có thể nói đến thời điểm hiện nay đã có chiến lược, đã có quy hoạch, nhưng giải+ pháp thì chưa. Chưa, bởi giải pháp vẫn quá chung chung, có thể nói những nội dung trong quy hoạch cũng giống như những điều đã nêu ra trong chiến lược. Đó chính là điều nhiều DN chưa kịp mừng đã vội lo. Vậy các doanh nghiệp lo gì ?
Thanh Vân (nguồn: theo Thọ Anh, dddn.com.vn)