Chuyển động Cơ khí

Wednesday 02/10/2024 00:10

Phát triển sản phẩm cơ khí nông nghiệp còn nhiều thách thức

02/08/2022 00:08
3954 Lượt xem
TCCKVN Theo Bộ Công thương, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 1,4 mã lực (HP) canh tác, thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan là 4 HP/ha; Trung Quốc 8 HP/ha; Hàn Quốc 10 HP/ha. Việt Nam đang phải nhập khẩu 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, phần lớn từ Trung Quốc chiếm 60%, còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch. Tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 94%; gieo cấy 42%, chăm sóc gieo trồng 77% và thu hoạch lúa 65%. So với năm 2011, số lượng máy kéo trên cả nước năm 2019 tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79% và máy sấy nông sản tăng 29%. Công suất sẵn có của trang trại đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.

Đối với máy động lực, máy kéo, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 50 HP, chiếm trên 30% thị phần trong nước. Đối với máy liên hợp gặt lúa, cơ khí trong nước chiếm 15% thị phần. 

Các thương hiệu máy kéo trong nước khá hạn chế so với các thương hiệu đến từ nước ngoài và cũng chỉ mới chiếm khoảng 30% thị phần. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm máy kéo dưới 30HP của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) chiếm 25% thị phần. Ngoài ra, gần đây còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã sản xuất thành công máy kéo công suất đến 50HP, Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam cũng đang phát triển động cơ diesel từ 36-38 HP.

Sản phẩm máy kéo của Thaco có công suất 50 HP

Những năm gần đây, các hệ thống thiết bị chế biến nông sản được chế tạo trong nước ngày càng nhiều hơn với công suất và chất lượng ngày càng cao hơn. Nước ta đã chế tạo được hệ thống thiết bị chế biến mủ cao su 100 tấn/năm, hệ thống ươm tơ cơ khí, guồng lại tơ cỡ 5-30 tấn/năm, xay xát đánh bóng gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi, thiết bị cho nhà máy đường cỡ 1.500 tấn mía/ngày, máy sấy nông sản…, và một số phụ tùng như trục cán ép mía nặng 9 tấn, thiết bị siêu trường, siêu trọng cho Nhà máy Đường Mía Tây Ninh công suất 8.000 tấn mía/ngày. Ngoài các cơ sở sản xuất cơ khí chuyên ngành như Cơ khí Chè, Cơ khí Cao su… các Công ty Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Cẩm Phả… cũng tham gia chế tạo phụ tùng và thiết bị chế biến nông sản.

Các doanh nghiệp trong nước chuyên ngành sản xuất chế tạo thiết bị chế biến cà phê và nông sản cung cấp hơn 80% khối lượng cho nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu đến các nước khu vực Đông Nam Á, các nước Châu Mỹ, Châu Phi… Trong đó, điển hình có Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang chuyên sản xuất chế tạo thiết bị chế biến cà phê, từ khâu chế biến cà phê quả tươi ngay sau khi thu hoạch cho đến khâu chế biến cà phê nhân xuất khẩu và cả thiết bị rang xay,…

Duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư là nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết những máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa là những loại máy ngoại nhập. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước hầu như ngày càng vắng bóng trên thị trường và dần tự đánh mất vị thế. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Nguồn lực đầu tư cho cơ khí, luyện kim còn thấp so với những ngành kinh tế, công nghiệp khác dẫn đến phần lớn máy móc lạc hậu, các thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu...

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, dung lượng thị trường từng loại sản phẩm trong các ngành cơ khí còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất, chẳng hạn như sản xuất, lắp ráp ô tô hay máy nông nghiệp, máy kéo. Vốn đầu tư cho các dự án cơ khí rất lớn, các doanh nghiệp Việt Nam thường không đủ năng lực để đầu tư; cùng với đó là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Sản phẩm máy kéo 2 bánh của VEAM có chất lượng và dịch vụ sau bán hàng tốt.

Tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa, mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhu cầu máy kéo, máy nông nghiệp sẽ tăng thêm giai đoạn từ nay đến 2025. Cụ thể, máy cấy lúa sẽ tăng nhanh bình quân từ 500-1.000 chiếc/năm (loại máy cấy 6-8 hàng) đồng bộ với công nghệ sản xuất mạ khay; máy thu hoạch lúa liên hợp (có bề rộng làm việc 1.8-2m) tăng từ 2.000-3.000 chiếc/năm, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Trung Bộ và những tỉnh sản xuất lúa tập trung. Các loại máy thu hoạch mía, cà phê, ngô, đậu, lạc có nhu cầu tăng 3-5 lần so với hiện nay. Các loại máy móc, thiết bị xử lý chất thải trong chăn nuôi ngày càng tăng nhanh.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nền sản xuất cơ khí, yếu tố chính là thị trường. Một sản phẩm nào muốn phát triển phải khuyến khích tiêu dùng. Gánh nặng thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và phí khác, thậm chí thuế, phí chồng lên thuế làm giá bán sản phẩm cao thì không thúc đẩy được thị trường.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp trong nước như VEAM thì chính sách thuế VAT là một bất lợi đối với máy nông nghiệp khi từ năm 2015 các sản phẩm này thuộc danh mục không chịu thuế VAT. Khi sản phẩm không chịu thuế VAT thì toàn bộ chi phí đầu vào với thuế VAT 10% sẽ phải hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như vậy, hàng sản xuất trong nước sẽ bị bất lợi về giá do chính sách thuế VAT khoảng 7% giá bán. Chính sách này chỉ hỗ trợ hàng nhập khẩu mà không khuyến khích sản xuất trong nước.

Theo Chủ tịch Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Khanh, để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, máy chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tham gia chế tạo thiết bị máy và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức. Ngoài ra, cần hỗ trợ giá thành máy nông nghiệp, bao gồm khâu thiết kế, chế tạo và mua sắm; nâng cao kiến thức sử dụng, bảo dưỡng máy móc cho nông dân...

Cùng với việc thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, cần khuyến khích việc tiêu dùng sản phẩm nội địa, đồng thời phải có những chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cơ khí, vận hành máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh thuế VAT đối với việc sản xuất các máy nông nghiệp bằng 0%. Đối với sản phẩm xuất khẩu thì các hiệp định thương mại tự do là điều kiện để sản phẩm của Việt Nam có thể đi ra thế giới và cạnh tranh ở quy mô thị trường rộng lớn hơn.

Bùi Diệu Linh

Có thể bạn quan tâm

MTA HANOI 2024: Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo phía Bắc

Sáng ngày 02/10, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Informa Markets Việt Nam chính thức khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 10 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo - MTA Hanoi 2024. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo tại các tỉnh phía Bắc tiếp cận với những thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy quan hệ giao thương với nhiều nhà cung cấp, đầu tư tiềm năng trong ngành.

Tạo đà cho công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ phát triển

Với chủ đề “Tạo đà vươn xa”, triển lãm quốc tế lần thứ 20 về công nghiệp ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ (Autotech & Accessories 2024) sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh từ ngày 16 - 19/5/2024.

Hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt kết quả khả quan

Tổng kết hoạt động hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2023, Toyota đã hỗ trợ trực tiếp cho 7 nhà cung cấp trong nước, với kết quả nổi bật: Diện tích nhà xưởng tiết kiệm 3.650m2, năng suất dây chuyền tăng 74%, hàng tồn kho giảm 59%, đồ vật không sử dụng loại bỏ 60 tấn.

Hơn 1.000 sản phẩm cơ khí được trưng bày tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành ngũ kim 2023

350 doanh nghiệp từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trưng bày hơn 1.000 sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành ngũ kim và dụng cụ cầm tay - Vietnam Hardware & Hand Tools Expo 2023 sẽ diễn ra từ ngày 7 - 9/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

METALEX Vietnam 2023: Điểm hẹn lý tưởng cho các nhà cung cấp máy công cụ

“METALEX Vietnam 2023”, Triển lãm Quốc tế hàng đầu Việt Nam về Máy công cụ và Giải pháp Gia công kim loại - lần thứ 16 với chủ đề “Kiến tạo nhà sản xuất khổng lồ tương lai” sẽ được tổ chức từ ngày 4 – 6/10 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, hứa hẹn sẽ là một điểm hẹn lý tưởng dành cho nhà cung cấp công nghệ trên thế giới và doanh nghiệp Việt Nam trao đổi ý tưởng đột phá.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top