Sức lan tỏa của Chương trình Phát triển SPCNCL trong cộng đồng DN còn hạn chế
Chưa đạt mục tiêu
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, TP. Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp (DN) được công nhận là SPCNCL. Phần lớn sản phẩm được công nhận đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, một số sản phẩm đã xuất khẩu (XK) vào các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng. Đặc biệt, nhiều DN đã tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các công ty lớn của Nhật Bản…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn bộc lộ nhiều tồn tại. Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng bình quân năm cao hơn tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp trên địa bàn từ 5 - 10%; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của SPCNCL chiếm 30 - 35% giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch XK chiếm 10 - 15% tổng kim ngạch XK của thành phố. Nhưng đến nay, các DN sản xuất SPCNCL mới đạt tổng doanh thu 60.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 4,5% tổng kim ngạch XK.
Sức lan tỏa của chương trình trong cộng đồng DN cũng còn hạn chế. Việc tìm kiếm và xét chọn DN, sản phẩm để công nhận là SPCNCL chủ yếu căn cứ tiêu chí về doanh thu, sản lượng. Chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và DN chủ lực. Chẳng hạn như giá thuê đất tại các khu công nghiệp của Hà Nội thường cao gấp 1,5 - 2 lần các tỉnh lân cận nên một số DN có SPCNCL đã di dời nhà máy, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sang các tỉnh khác.
Tập trung phát triển sản phẩm mũi nhọn
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, nhiều chuyên gia cho rằng, Chương trình Phát triển SPCNCL của TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 cần thực hiện theo hướng tìm ra những sản phẩm có khả năng, điều kiện để phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng; chú trọng đến sản phẩm và DN FDI, DN dân doanh.
Chương trình không chỉ lựa chọn, công nhận các sản phẩm, DN công nghiệp chủ lực đã lớn mạnh mà còn phải tìm kiếm, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho sản phẩm của các cơ sở, đơn vị tư nhân. Cần có sự chủ động của DN và sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước trong việc đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng chất xám.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu rà soát, đề xuất giải pháp phát triển các SPCNCL mũi nhọn. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN có SPCNCL.
TP. Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các sản phẩm được công nhận là SPCNCL chiếm tỷ trọng khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch XK chiếm trên 50% tổng kim ngạch XK trên địa bàn; xây dựng và phát triển 15 DN trở thành DN chủ lực của thành phố.
Quỳnh Trang (nguồn: Theo Nguyễn Hòa http://baocongthuong.com.vn)