Quang cảnh hội thảo (Ảnh Quang Tuấn)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Thạch Hổ, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã nêu rõ tầm quan trọng của công nghệ hàn Plasma về dự án phát triển liên quan đến công nghệ mới “LASERLIKE”, đây là dự án đã được ký kết giữa đại diện các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu của hai nước Việt Nam và CHLB Đức.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe một số tham luận: 1. Tình hình nghiên cứu ứng dụng công nghệ hàn plasma bột (PTA) tại Việt Nam; 2. Các nội dung nghiên cứu phát triển của Dự án LASERLIKE; 3. Các sản phẩm thiết bị và vật liệu của DURUM liên quan đến PTA và LASERLIKE; 4. Hình dạng và cấu trúc tế vi của kim loại mối hàn khi hàn đắp bề mặt cứng bởi quá trình hàn PTA bằng hợp kim bột Eutroloy 16606 trên nền thép C45; 5. Ứng dụng công nghệ hàn tiên tiến để hàn đắp bề mặt cứng tại HTH Trường Phát.
Ông Hoàng Văn Châu, nguyên Giám đốc PTN chia sẻ: Plasma được coi là trạng thái thứ tư của vật chất (các trạng thái khác là rắn, lỏng, khí), trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Đại bộ phận phân tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân, các electron chuyển động tương đối tự do giữa các hạt nhân. Plasma không phổ biến trên Trái đất, tuy nhiên 99% vật chất thấy được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng Plasma, vì thế trong bốn trạng thái vật chất Plasma được xem như trạng thái đầu tiên trong vũ trụ.
Thông qua Hội thảo khoa học, ông Hoàng Văn Châu, nguyên Giám đốc PTN mong muốn: “Cần có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành Công nghệ Vật liệu – Hàn – Luyện kim,...để đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất; đồng thời triển khai chế tạo hệ thống thiết bị công nghệ Hàn PTA với bột kim có ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới chuyên ngành Cơ – Điện tử, giúp cho ổn định mối hàn và có chất lượng đạt yêu cầu tốt nhất, có hệ thiết bị trở thành sản phẩm thương mại cung cấp cho sản xuất”.