Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2024 tăng 5,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (quý 1/2024 tăng 6,0%), đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% trong quý 1/2025.
Báo của Cục Thống kê ghi nhận chỉ số sản xuất quý 1/2025 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,1%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 12,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... tăng 11,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,6%; dệt tăng 9,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,6%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 1,1%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%.
Về tình hình sản xuất công nghiệp của các địa phương trên cả nước trong quý 1/2025 so với cùng kỳ năm trước, tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương trên cả nước. Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phú Thọ tăng 44,0%; Bắc Kạn tăng 31,8%; Bắc Giang tăng 27,2%; Nam Định tăng 23,5%; Hà Nam tăng 18,6%; Tây Ninh tăng 16,1%; Huế tăng 14,0%.
Ngược lại, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2025 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Lào Cai tăng 1,5%; Hà Tĩnh giảm 7,1%. Cao Bằng giảm 7,0%; Gia Lai giảm 0,5%.
Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tháng 3/2025 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,2%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90,0% (bình quân quý I/2024 là 68,7%).
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động SXKD quý I/2025 khó khăn hơn quý IV/2024 với 71,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2025 so với quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định (24,1% tốt hơn và 47,1% giữ ổn định), 28,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý II/2025 khả quan hơn quý I/2025 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý II/2025 so với quý I/2025 tốt hơn và giữ ổn định (45,8% tốt hơn, 39,2% giữ ổn định), 15,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2025 khả quan nhất trong các quý I của giai đoạn 2022-2025: chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I/2025 là -4,7%, cao hơn nhiều so với chỉ số tương ứng của quý I năm 2022; 2023 và 2024 (lần lượt là -7,4%; -14,2% và -13,0%). Khu vực doanh nghiệp FDI hoạt động SXKD ổn định nhất với chỉ số cân bằng chung quý I/2025 là 3,4%, chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất là 2,8%, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới là 0,5% và chỉ số cân bằng lao động là 0,8%.
Trong quý I/2025, ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể: có 51,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 51,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 30,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Một số khó khăn có thay đổi lớn so với quý IV/2024 bao gồm: Về lao động, quý I/2025 có 23,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng các yêu cầu về đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp, tăng 3 điểm phần trăm so với quý IV/2024, là yếu tố biến động cao nhất trong quý I/2025; Về nguyên, nhiên, vật liệu, quý I/2025 có 18,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ SXKD, tăng 0,9 điểm phần trăm so với quý IV/2024.