Lao động tay nghề cao là thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam
Nhiều cơ hội…
Khi tích cực và chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có lợi thế trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có 2 nét mới. Một là, theo dự báo của EuroCham, EU sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, là lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón, trong đó, ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm. Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á. Hai là, việc đầu tư mà EVFTA hướng tới không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất nhập khẩu mà còn cả những lĩnh vực dịch vụ đang "sôi sục" trong trào lưu cách mạng công nghệ 4.0 như viễn thông & công nghệ thông tin, kiến trúc & tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường. Khi phát triển các dịch vụ này đạt trình độ quốc tế, Việt Nam chẳng những bớt phần nhập khẩu mà còn có thể xuất khẩu nhiều dịch vụ chất lượng cao, không chỉ tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu về giá trị mà còn cả về hiệu quả, cán cân thương mại tích cực.
Cam kết đầu tư trong EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường các bên. Theo đó, hai bên sẽ đối xử bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau, như: (1) Đối xử với các nhà đầu tư của nước thành viên bình đẳng như nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài khối về lĩnh vực đầu tư và tiếp cận thị trường; (2) Không áp dụng các chính sách hạn chế như yêu cầu hàm lượng nội địa, sản xuất nội địa, bắt buộc chuyển giao công nghệ, hạn chế nhập khẩu và định mức xuất khẩu; (3) Đảm bảo hoàn trả và bồi thường cho nhà đầu tư nếu xảy ra thiệt hại trong trường hợp xung đột vũ trang, bất ổn xã hội, trường hợp khẩn cấp hoặc thiệt hại do chính sách nhà nước (trưng dụng gián tiếp); (4) Không trưng dụng, quốc hữu hóa các khoản đầu tư, trừ trường hợp dùng vào mục đích công, có bồi thường đúng pháp luật; (5) Công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức chuyển nhượng tài sản như góp vốn, trả lãi, giao dịch mua bán và bồi thường; (6) Nếu Hiệp định EVFTA bị hủy bỏ, nước thành viên phải tiếp tục áp dụng các điều khoản về đầu tư thêm 15 năm; (7) Các bên còn thống nhất cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ nhưng thân thiện để các khúc mắc, nếu có, sẽ được xem xét, khách quan, thấu đáo và phán quyết cuối cùng được tuân thủ.
…Và thách thức
Cơ hội chia đều cho hai bên, song phía Việt Nam dường như phải vượt qua nhiều thách thức hơn để tận dụng các cơ hội có được, vì chúng ta vẫn ở điểm xuất phát thấp, chưa đầy đủ điều kiện đón nhận đầu tư kỹ thuật cao đến từ EU.
EU sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 90 trong 189 nền kinh tế có mức độ thuận lợi hóa về môi trường, với mức trung bình chỉ đạt 62,1/189. Các lĩnh vực được đánh giá kém thuận lợi và mức có điểm trung bình, dưới trung bình gồm: Nộp thuế (168/189); bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (122/189); giải thể doanh nghiệp (123/189); tiếp cận điện năng (108/189) và khởi sự kinh doanh (119/189).
Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam được xếp hạng thứ 56/140. Trong đó các nhóm vấn đề còn trở ngại gắn với tính ổn định của chính sách, nguồn lao động có tay nghề, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chi phí kinh doanh…
Với thực tế ấy và mong muốn "gần đèn thì rạng", mỗi doanh nghiệp nên xem việc tiếp cận các nhà đầu tư EU để phát triển ngay tại Việt Nam là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. "Biến thách thức thành cơ hội" là vậy.
Đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Những cam kết mới cùng các hành động thiết thực sẽ tỷ lệ thuận với niềm tin của các nhà đầu tư vào chủ nhà Việt Nam.
Thu hút FDI từ EU là một trong những ưu tiên của Chiến lược Phát triển đối ngoại của Việt Nam. Thực tế đã khẳng định FDI của EU là một trong những nguồn lực mới tạo sức đẩy "cỗ đại xa đổi mới" tăng tốc trên xa lộ hội nhập, bằng: (1) Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; (2) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (3) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; (4) Bổ sung hàng cho thị trường nội địa; (5) Mở mang xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế; và (6) Tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao. EVFTA chính là công cụ tạo xung lực để Việt Nam bước tiếp trong tiến trình nói trên.
Quỳnh Trâm (nguồn: Theo Thanh Tâm http://baocongthuong.com.vn)