Gian hàng của Việt Nam tại Triển lãm M-Tech Osaka 2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong các ngày từ 5-7/10, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cùng với 15 doanh nghiệp trong nước đã tham gia Triển lãm M-Tech Osaka 2022 ở Osaka (Nhật Bản). Ngoài các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, M-Tech Osaka 2022 có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực máy móc, thiết bị gia dụng và công nghiệp nặng trên thế giới, đồng thời giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản ghi nhận, trong 3 ngày diễn ra triển lãm, các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút khá nhiều khách tham quan, tìm hiểu năng lực sản xuất, trong đó một số khách quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm “Made in Vietnam” và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tới triển lãm lần này, Công ty Cổ phần Cơ khí InTech Việt Nam tham gia gian hàng trưng bày và tư vấn sản phẩm tới khách hàng, gồm: Con lăn công nghiệp và các sản phẩm cơ khí chính xác. Gian hàng của Intech nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng Nhật Bản và quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Cường – Giám đốc công ty cho biết: “Triển lãm là cơ hội rất tốt cho Intech nói riêng, cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung tiến hành tìm kiếm, mở rộng tệp khách hàng tiềm năng đã và đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Cũng tại triển lãm, Intech có thể tìm được mối liên kết, tạo nên chuỗi cung ứng khép kín cho các doanh nghiệp”.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm khoảng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Đáng chú ý, trong 6 ngành ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, có tới 3 ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, gồm điện tử; máy nông nghiệp; sản xuất ôtô và phụ tùng ô tô. Đây là kết quả của sự quan tâm và nỗ lực của chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Hiện nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 làm gián đoạn, đứt gãy một số khâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch toàn bộ hoặc một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng cần có sự chủ động tích cực nhằm nắm bắt những cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh mới.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản – với vai trò là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ xúc tiến hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, đã tích cực tham gia nhiều triển lãm chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tổ chức tại Nhật Bản. Dưới sự hỗ trợ của Thương vụ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia các triển lãm, thông qua việc thuê gian hàng hoặc gửi hàng mẫu, có cơ hội được giới thiệu công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp mình và tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển nói chung của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Trưởng CQ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản (đứng giữa) thăm gian hàng của Intech.