Sản xuất công nghiệp bức tranh sáng trong 4 tháng
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh
Trong 4 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Điện thoại di động tăng 89%; ôtô tăng 58%; tivi tăng 42%; giày, dép da tăng 25%; thức ăn cho thủy sản tăng 24%... Cùng với mức tăng sản xuất, tình hình tiêu thụ của một số nhóm hàng cũng tương đối khả quan như: Xe có động cơ tăng 46,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 40,1%; kim loại tăng 23,4%...
Xét về phía các địa phương, có thể nói, “lực đẩy” từ việc Nhà máy Samsung Electronic đi vào giai đoạn sản xuất đã giúp Thái Nguyên liên tục đạt mức tăng trưởng sản xuất rất cao với 353% sau 4 tháng. Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 đang tích cực được triển khai và dự kiến sẽ giúp địa phương này tiếp tục có nhiều bứt phá hơn trong thời gian tới. Quảng Nam là địa phương có mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp đứng thứ hai với 21,8%; Hải Phòng tăng 15%; Đà Nẵng tăng 10%; Hà Nội tăng 7,3%; TP.Hồ Chí Minh tăng 5,5%...
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tìm kiếm, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy tiến trình đàm phán để sớm ký kết các FTA; tăng cường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu, bảo đảm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát nhập siêu năm 2015 dưới mức 5%.
Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Trong khi sản xuất công nghiệp có nhiều khả quan thì xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó. Kim ngạch xuất khẩu sau 4 tháng ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với 3,8 tỷ USD). Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu của 4 tháng đã cao hơn so với mức tăng của cả quý I (6,9%), tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá dầu thô thấp đã làm giảm đến 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản chưa có dấu hiệu khả quan khi hàng loạt mặt hàng vẫn sụt giảm cả về lượng và giá trị như: Thủy sản giảm 15%; cà phê giảm 38,3%; gạo giảm 5%...
Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 53,1 tỷ USD, tính chung 4 tháng đầu năm, nhập siêu khoảng 2,99 tỷ USD, chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù con số nhập siêu vẫn ở mức khá cao nhưng điều đáng mừng là nhờ nhiều giải pháp tích cực kiềm chế, nhập siêu của riêng tháng 4 chỉ còn 600 triệu USD, giảm 57% so với nhập siêu của tháng trước, bằng 4,1% kim ngạch xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu tập trung vào những nhóm hàng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép nhằm tận dụng điều kiện thuận lợi khi giá nhập khẩu các mặt hàng này đang ở mức thấp. Tăng trưởng nhập khẩu các nhóm hàng này trong 4 tháng là tiền đề để dự báo xuất khẩu có khả năng tăng trưởng mạnh trong các tháng tiếp theo do đây là nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu.