Công nghiệp là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh ước đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với năm 2022. Diễn biến sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực vào dịp cuối năm. Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản lượng và đơn hàng một số sản phẩm dần tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động cũng lớn hơn nhiều so với số đơn vị dừng hoạt động.
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, khí thế sản xuất tại nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp để sản xuất những đơn hàng đầu tiên của năm. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng mới, giá trị lớn. Điều này giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 1/2024 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023, kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá trong những tháng tới.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 của tỉnh ước tăng 4,52%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,66%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,29%.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh bứt phá là sự tham gia của các dự án đầu tư mới hoặc bổ sung vốn, mở rộng quy mô sản xuất các dự án hiện hữu.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 31 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký 209,9 triệu USD và 10 dự án tăng vốn với tổng quy mô 19,53 triệu USD. Lũy kế tới nay, toàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 10,58 tỷ USD và 868 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn 162,7 nghìn tỷ đồng.
Điểm nhấn quan trọng về thu hút đầu tư của tỉnh là việc Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 420 triệu USD vào dự án thuộc lĩnh vực quang điện trên địa bàn.
Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo
Tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có các nhóm ngành/sản phẩm hiện đại, chuyên môn hóa và có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại.
Giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp phấn đấu đạt trên 9%/năm; tỷ trọng VA ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt khoảng 61% vào năm 2025 (riêng ngành công nghiệp đạt khoảng 54,5%) và đến năm 2030 đạt khoảng 60% (trong đó ngành công nghiệp đạt 55 - 57%).
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên xác định phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu như: Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.
Dịch chuyển các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng của từng ngành công nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu hàng điện tử, máy vi tính và thiết bị điện; công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo là thế mạnh của tỉnh; thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển.
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo là thế mạnh của tỉnh.
Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; ngành, nghề nông thôn... theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với nguồn nguyên liệu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng hợp lý lao động mà tỉnh đang có lợi thế và cơ hội phát triển.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.