Những diễn biến thất thường của giá dầu từ cuối năm 2014 khiến ngân sách hụt thu đáng kể, nhưng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã tính tới những tác động bất lợi và sẵn sàng phương án ứng phó.
Bức tranh tổng thể của nền kinh tế 2 tháng đầu năm 2015 cho thấy, giải pháp mà Chính phủ đưa ra cho vấn đề này là đúng hướng, tác động tích cực đến chỉ số sản xuất công nghiệp. Vì thế, trong 2 tháng đầu năm, sức mua của nền kinh tế ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,4%).
Trước đó, Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản xuất công nghiệp từ đầu năm 2015 nhìn chung ổn định và có dấu hiệu tích cực, nguồn cầu trong nước có xu hướng tăng lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, song giảm 19,2% so với tháng trước do tháng này có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.
Trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77.500 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Những ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là: nghệ thuật, vui chơi, giải trí (tăng 241,0%); kinh doanh bất động sản (tăng 88,8%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 57,9%); tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (tăng 55,4%); xây dựng (tăng 50,3%)...
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 2 ước đạt 9.117 tỷ đồng, trong đó, vốn trung ương là 1.788 tỷ đồng và vốn địa phương 7.329 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 21.962 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến ngày 20/2/2015 có 148 dự án được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký 712,3 triệu USD, tăng 21,3% về số dự án và giảm 14,3% về vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 58 lượt dự án được cấp vốn bổ sung, với 480,5 triệu USD…
Kiên định mục tiêu cải cách
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, các cấp, các ngành đã nghiêm túc chấp hành các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, có các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2015, nên kinh tế đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
“Đó là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thêm cơ sở phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định năm 2015 đạt được gì, năm 2016 đạt đến đâu? Trong từng tháng, từng quý phải kiểm điểm những việc đã làm được, những giải pháp cần tiếp tục thực hiện… Ví dụ, thời gian nộp thuế không phải chúng ta tự so với mình, mà phải nhìn các nước, phấn đấu bằng và hơn các nước ASEAN 6, ASEAN 4”, Thủ tướng nói.
Với tinh thần đó, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, tính toán rằng, đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta phải đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Cụ thể, thời gian nộp thuế rút còn 121,5 giờ (hiện là 247 giờ); thời gian nộp bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ (hiện là 235 giờ); số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu 90%; giảm mạnh thời gian thông quan với hàng xuất khẩu (tối đa 13 ngày), hàng nhập khẩu (14 ngày); thành lập doanh nghiệp tối đa 6 ngày; tiếp cận điện năng còn 36 ngày (hiện là 70 ngày); phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng (hiện là 60 tháng).
Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu phải đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines) trên một số chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế, như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện, bảo vệ nhà đầu tư, hải quan, nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc, cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, giải quyết tranh chấp thương mại...
Chính phủ cũng giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát trong năm 2015 là tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Xây dựng cơ chế đảm bảo các loại thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động sản, khoa học - công nghệ vận hành đầy đủ, ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển.