CNHT đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thể hiện năng lực sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước.
Những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành CNHT, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành CNHT. Mới nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…
Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, trong số 5.000 doanh nghiệp này, mới có khoảng 30% doanh nghiệp CNHT đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Với ngành cơ khí, ô tô, 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Theo ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năng lực ngành CNHT của Việt Nam vẫn được đánh giá hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn rất lỏng lẻo. Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành CNHT" do VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào sáng 25/8, các đại biểu đều cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam đang tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí và đáp ứng linh kiện kịp thời, hạn chế những tác động do dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam hiện nay là rất khó khăn.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi, đa số các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp CNHT không đáp ứng được các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Sản xuất CNHT nói chung và ở ngành cơ khí hiện nay, các doanh nghiệp cần nguồn vốn để đầu tư, từ con người đến dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, CNHT là ngành nghề lợi nhuận không quá cao nên thời gian đầu tư, hoàn vốn dài vì vậy rất cần Nhà nước, ngân hàng có ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thủ tục vay...
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp CNHT, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chính sách phát triển CNHT theo hướng minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CNHT TP. Hà Nội (HANSIBA), trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng CNHT, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị. Ông Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.
Bản thân các doanh nghiệp CNHT cũng cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu.