Sáng ngày 6/10, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ IX năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX - năm 2023
Khu vực phía Nam là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó vùng Đông Nam bộ (mà hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh) là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
Theo Bộ Công thương, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nhà nước của các Sở Công thương phía Nam ngày càng rõ nét và đi vào chiều sâu, giảm dần các hoạt động giải quyết các công việc mang tính sự vụ, sự việc. Công tác cải cách hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát huy hiệu quả.
Về công nghiệp, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn ổn định và phát triển sản xuất. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, tạo đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành khác phát triển. Đa số các doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, hình thành nhiều chủng loại sản phẩm mới; doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất, mở rộng nhà xưởng.
Năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là 7,8%; 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố có những đóng góp tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. 18/20 tỉnh, thành vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước giảm 0,4%).
Hoạt động thương mại và dịch vụ trong khu vực trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023 tiếp tục phát triển với tốc độ khá, có 15/20 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 trên 20%.
Hoạt động xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành tiếp tục ổn định và phát triển. Mặc dù, vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, nên kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên.
Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 đạt 139,31 tỷ USD, tăng 18,41% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,46% so với cả nước (Cả nước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021). Kim ngạch nhập khẩu toàn khu vực đạt 136,806 tỷ USD, tăng 9,69% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,93% so với cả nước (Cả nước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2021).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn một số hạn chế. Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp có tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực, vẫn còn 02 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp chưa phục hồi so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, bị sụt giảm đơn hàng. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; Nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp chưa cao,...
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị
Để góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố, đặc biệt là các Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong tình hình mới. Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị các sở công thương cần tiếp tục cập nhật, rà soát các nội dung về phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục tập trung vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo…