Triển khai Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg, có 11 dự án có tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng đã được chấp thuận cho hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng đến nay mới có 3 dự án được chấp thuận ký hợp đồng tín dụng vay vốn và giải ngân được 16% trong số 374 tỷ đồng giá trị vay.
Các dự án khác do vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, hoặc do những hạn chế từ lâu của ngành cơ khí đang trong tình trạng chậm triển khai. Các ý kiến thống nhất, cơ chế chính sách ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên tính thực thi còn hạn chế, đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn lực.
Việc đầu tư các dự án cơ khí cũng còn mang tính chất phân tán, khép kín trong từng DN, thiếu sự phối kết hợp và công nghệ lạc hậu, dẫn đến chi phí cao và khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp.
Phản ánh từ các DN cũng cho biết, lãi suất tín dụng đầu tư hiện còn cao, không mấy hấp dẫn so với tín dụng thương mại thông thường, các gói thầu cung cấp thiết bị cho dự án cần vốn lớn nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng hình thức thu xếp vốn từ chính nhà thầu cung cấp thiết bị từ nước ngoài, dẫn đến khả năng để các DN cơ khí trong nước được thực hiện các gói thầu rất khó.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cho rằng, cần xem xét lại việc tiếp cận, định hướng ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm thời gian tới.
Căn cứ trên các định hướng triển khai, danh mục dự án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, các cơ quan, DN triển khai cần rà soát, lựa chọn những dự án khả thi, đi từ sản phẩm mà thị trường cần và có tính cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại, thay vì ưu đãi dàn trải trong bối cảnh nguồn lực của DN và Nhà nước đều hạn chế.
“Những sản phẩm như tàu chở dầu, tàu chở container, cẩu trục 50 tấn, máy biến áp 220 kV… là những cái thị trường làm được không khó thì có cần ưu đãi không. Thay vào đó hãy xem xét các mô hình sản xuất, các sản phẩm công nghiệp cho nông nghiệp như: Máy gặt đập liên hợp, cấy, tưới, các giàn khoan trong ngành dầu khí đóng cho cả trong nước và nước ngoài, bao gồm cả phần thiết kế đang có nhu cầu cao”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ ra yêu cầu khắc phục đối với một số cơ chế, cách triển khai hỗ trợ chưa phù hợp, mang tính lắt nhắt và thiếu khả thi. Trong đó, rõ nhất là vấn đề qua chủ trương mở rộng các thành phần tham gia thì thấy các chính sách cần hướng mạnh hơn tới việc tạo thị trường, cho cơ chế chứ không chỉ là vấn đề vốn, lãi suất.
Về nhiệm vụ cụ thể, giao các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ danh mục 8 ngành nghề cơ khí đã được duyệt để chỉ rõ nhóm ngành nào đang thiếu gì, trong nước làm được gì, DN muốn gì và từ đó chỉ ra cơ chế ưu đãi cho áp dụng./.