Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraina; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sự phục hồi chậm và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước… tác động và ảnh hưởng nặng nề đến người dân.
Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng… ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong quý I/2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi do nhu cầu tiêu dùng giảm sút nhưng nhờ tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở, linh hoạt của chính quyền các cấp nên sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng dương. Khu vực dịch vụ có sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 không rơi vào trạng thái tăng trưởng âm như một số tỉnh có quy mô công nghiệp lớn.
Bước sang quý II, sản xuất công nghiệp - vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do thị trường tiêu thụ sụt giảm, số lượng đơn hàng chưa có dấu hiệu tích cực nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 3 tháng liên tiếp gần đây giảm sâu so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng ổn định; các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục đạt tăng trưởng khá nên nhìn chung kinh tế của tỉnh trong quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm 2023 nói chung mặc dù chưa có sự bứt phá nhưng cũng đạt được những kết quả khá tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Theo dữ liệu Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2023: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 5,17%, giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 405 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so cùng kỳ, bằng 39,7% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ và bằng 37,9% kế hoạch cả năm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.273 tỷ đồng, đạt 41,1% kế hoạch năm và bằng 87% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch năm.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh cấp mới 15 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 116,75 triệu USD; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 185 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt gần 10,5 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.468,5 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu vận tải, kho bãi trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.551,6 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ…
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; làm tốt công tác quản lý thu, chi, chống thất thu ngân sách Nhà nước; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác quản lý đất đai trên địa bàn, nhất là đối với các địa phương đang triển khai các dự án, công trình trọng điểm.