Toàn cảnh hội thảo
Nhiều dự án cơ khí trọng điểm vẫn thụt lùi
Để triển khai Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg hiệu quả hơn, ngày 16/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg (viết tắt là Quyết định số 10) về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký Hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng Hợp đồng tín dụng đã ký cho 3 dự án này là 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký. Một số loại sản phẩm cơ khí chưa được chú trọng, như các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy, hải sản... một số dự án thuộc Chương trình nhưng không thu hút được các nhà đầu tư.
Trên thực tế có rất nhiều bất cập khi triển khai các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo ông Phan Tử Giang- Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), mặc dù các dự án của PV Shipyard đều đầy đủ điều kiện thuộc diện dự án cơ khí trọng điểm nhưng trong hơn 5 năm qua PV Shipyard đều khó tận dụng được các chính sách ưu đãi. Trước hết là chính sách ưu đãi tín dụng, PV Shipyard không thể tận dụng bởi nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế và nguyên nhân chủ quan là các chính sách đưa ra còn quá chung chung trong khi việc phê duyệt các điều kiện tín dụng thì quá phức tạp và nhiêu khê nên gần như rất ít dự án được hưởng ưu đãi này. Chính phủ, các bộ, ban, ngành ít nhiều đã đưa ra được các chính sách ưu đãi cho sản phẩm cơ khí trọng điểm tuy nhiên việc thực hiện các chính sách này còn rất kém, bất cập và thiếu đồng bộ.
Tạo lực đẩy cho các dự án cơ khí trọng điểm
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước chấn hưng nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành cơ khí, ông Ryu Hang Ha- Tổng giám đốc Doosan Vina - cho rằng, đường lối, chủ trương, chính sách của Chính phủ phải hết sức thiết thực; rõ ràng về mục tiêu; khả thi về thời hạn.
Ông Trần Văn Quang- Tổng giám đốc Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cũng đưa đề xuất cụ thể: EEMC đã có sản phẩm trong danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm là MBA 220kV trở lên. Đề nghị chấp thuận MBA 220-500kV vào danh mục sản phẩm quốc gia bởi đã đáp ứng được các Tiêu chí chung và Định hướng lĩnh vực ưu tiên (làm rõ MBA 220-500kV cũng là thiết bị siêu trường siêu trọng có nằm trong nhóm 6 sản phẩm chính thức/3 sản phẩm dự bị). Đồng thời đề nghị: “Các vật tư, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%; Miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm...
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam kiến nghị sửa đổi cơ chế ưu đãi với các dự án cơ khí trọng điểm: Đối với chính sách tín dụng đầu tư nên cho vay đầu tư cơ khí trọng điểm là 3%. Nếu vay thương mại thì Nhà nước bù chênh lệch. Phải cụ thể con số và không đổi để xác định dòng vốn đầu tư cho cơ khí trọng điểm.
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định, Vụ sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện một cơ chế chính sách chung cho ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực cơ khí đòi hỏi thời gian dài, khả năng thu hồi vốn lâu do vậy mọi chính sách đề ra cũng phải có nguồn tín dụng để hỗ trợ."Chúng ta đã có Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ban hành để hỗ trợ ngành cơ khí nhưng với lãi suất còn cao (ở mức 10,5% là rất cao so với thực tế). Do vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thực thi chính sách.
DK (nguồn: theo Lan Anh, baocongthuong.com.vn)