Chủ tịch VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, điểm sáng của thị trường thép trong tháng 9-2014 là lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt hơn 443.000 tấn, so với tháng trước tăng 8,71%, và so với cùng kỳ 2013 tăng 25,28%. Lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính đến tháng 9 là hơn 410.000 tấn.
Nhận định về diễn biến thị trường thép cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Quân, Tổng giám đốc công ty thép Kansai cho rằng, lượng tiêu thụ thép trên thị trường theo thông lệ dự kiến sẽ khả quan hơn khi bước vào thời điểm mùa xây dựng cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thép vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng cung vượt cầu vẫn cao, thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào vẫn còn lớn và thị trường bất động sản chưa khởi sắc, ngành thép sẽ khó để có sự gia tăng đột biến trong tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước.
Chuyên gia về ngành thép, ông Phạm Chí Cường cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ thép đang ngày càng bị thu hẹp do việc mất cân đối cung cầu của thị trường cùng với vấn đề cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chưa được giải quyết. Do đó, trong những tháng xây dựng cuối năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ có thể khả quan hơn so cùng kỳ và những tháng mùa mưa năm 2014, nhưng sẽ không tăng đột biến
Viện dẫn điều này, theo ông Cường, chỉ tính số liệu trong 8 tháng qua của VSA, tổng lượng thép và bán thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 9,42 triệu tấn, với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2013, nhập khẩu các sản phẩm thép và bán thành phẩm tăng về lượng là 4,4%, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại giảm là 3,4%. Nhập siêu trong tháng 8-2014 là hơn 1 triệu tấn và nhập siêu trong 8 tháng năm 2014 là hơn 6,95 triệu tấn. Điều này cho thấy, lượng thép nhập khẩu giá rẻ, phần lớn từ thị trường Trung Quốc vẫn đang tràn vào với khối lượng lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
Nhận định về tình hình tiêu thụ thép từ nay đến cuối năm 2014, ông Phạm Chí Cường cho rằng, ngoài việc tìm kiếm và trông chờ vào thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép cũng cần quan tâm hơn đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sắp tới, Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là khó khăn do thị trường trong nước bị thu hẹp nhưng lại mở ra cơ hội khi thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn. Doanh nghiệp nếu biết đón đầu, cải thiện sản phẩm và hạ giá thành thì có thể tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tăng mạnh tiêu thụ trong thời điểm 2015 - 2016 sắp tới...
Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cũng cần xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, tiếp tục đưa ra các rào cản thương mại, kỹ thuật cho thép nhập khẩu chứa nguyên tố Bo từ Trung Quốc. Mặt khác, theo ông Dũng, đồng thời đưa ra những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp trong thời gian đầu Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại với Liên minh Hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan, đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để các doanh nghiệp thép trong nước có thời gian khắc phục những tồn tại do công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu.../.