Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Quốc hội đã thông qua hồi cuối tháng 11/2024. Tuyến đường dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD). Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án vào 2035.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại Tập đoàn Thaco, ngày 8/2. Ảnh: VGP
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho hay, Việt Nam dự định làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài.
Thaco là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động đa ngành như ôtô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Năm ngoái, tập đoàn này nộp ngân sách Nhà nước hơn 23.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Họ cũng chiếm khoảng một phần ba thị phần ôtô nội địa, với doanh số bán ra 92.000 trong 2024.
Tại cuộc làm việc với Thaco mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tập đoàn này đã có các sản phẩm chất lượng cao, tỷ lệ nội địa hóa nhiều, giá thành phù hợp hơn. Họ cũng tăng ứng dụng số hóa, tự động hóa, chú trọng nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Thaco tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy của đường sắt tốc độ cao.