Ảnh minh họa
Giữa năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA)- Bộ Công Thương đã nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt NK vào Việt Nam của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam. Gần 9 tháng điều tra, VCA đã khẳng định có sự gia tăng mạnh mẽ NK bột ngọt khiến sản xuất trong nước bị đe dọa.
Cụ thể, tốc độ gia tăng bột ngọt NK vài năm trở lại đây ở mức rất cao. Nếu như năm 2011, Việt Nam chỉ NK 8.974 tấn, thì lần lượt các năm 2012- 2013- 2014, số lượng bột ngọt NK tăng tương ứng 18.143- 43.935- 58.446 tấn. Sự tăng “nóng” NK bột ngọt đã tạo ra sức ép đối với giá bán sản phẩm trong nước. Xu hướng giảm giá bắt đầu từ năm 2011 với mức độ giảm chỉ 2- 3%/năm, song đến năm 2014, giá bán bột ngọt sản xuất trong nước đột ngột giảm tới 8,7%.
Điều đáng nói, theo cơ quan điều tra, năm 2014, trong khi chi phí sản xuất tăng 1,5% thì giá bán lại giảm mạnh, trái với quy luật thị trường là khi chi phí sản xuất tăng thì giá bán cũng phải tăng tương ứng. Ngoài ra, thị phần bột ngọt sản xuất trong nước đã liên tục giảm trong giai đoạn 2011- 2014, mức giảm xuống thấp nhất vào năm 2014: Lượng bột ngọt nội địa tiêu thụ giảm 21,56%, lợi nhuận giảm 21,95%. Ngược lại, năm 2014, mặc dù sản lượng trong nước giảm 9,58% nhưng tồn kho lại tăng tới 58,1%, cao gấp 13 lần so với mức tăng tồn kho năm 2011...
Căn cứ vào những yếu tố đó, VCA khẳng định, ngành sản xuất bột ngọt trong nước đang đứng trước nguy cơ đe dọa thiệt hại nghiêm trọng nếu bột ngọt nội phải tiếp tục cạnh tranh không công bằng với hàng NK.
Rất may, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với bột ngọt NK vào Việt Nam. Theo đó, bột ngọt NK sẽ chịu mức thuế tuyệt đối là 4.390.999 đồng/tấn. Trong vòng 4 năm, mức thuế này sẽ giảm 10% qua mỗi năm.
Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với “tấm lá chắn” mới dựng cho bột ngọt, hay “hàng rào kỹ thuật” cho thép mới đây, Chính phủ đã thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp theo đúng lời hứa. Vấn đề còn lại - lấy lại thị phần - là việc doanh nghiệp phải tự làm.