Quang cảnh Hội thảo.
Về dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh; chuyên gia kinh tế, du lịch; Hiệp hội Du lịch Hải Phòng; các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài thành phố.
Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phát biểu.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng nhấn mạnh, từ lâu thành phố Cảng Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông và những cây cầu. Thành phố có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó 16 sông chính, nổi bật là sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc và sông Thái Bình. Những dòng sông này mang theo nhiều giá trị Văn hóa lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, Hải Phòng hiện chưa có tour du lịch đường sông, chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát. Chính vì thế, Hội thảo được tổ chức hôm nay để chúng ra cùng nhau ngồi lại, nhằm đánh giá đúng thực trạng, để xác lập cơ sở khoa học, tính cấp thiết và những định hướng, giải pháp chủ yếu để làm căn cứ nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng cho xứng tầm.
Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức nhận được hơn 30 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính như: Cơ sở khoa học, lý luận về phát triển du lịch đường thủy và kinh nghiệm trong nước, quốc tế; thực trạng tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng; các giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy Hải Phòng.
Hơn thế, một số tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo như: “Cơ sở khoa học của phát triển du lịch đường thủy tại Việt Nam”, “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng trở thành sản phẩm đẳng cấp”, “Một số cơ chế và chính sách phát triển du lịch đường sông tại Hải Phòng”, “Kết nối di tích ven sông để phát triển các tuyến du lịch đường sông tại Hải Phòng”, “Nghiên cứu, phân tích, đề xuất về kiểu dáng và thông số kỹ thuật một số loại tàu du lịch đường sông và đường biển phù hợp với điều kiện luồng, tuyến phục vụ phát triển du lịch đường thủy”...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn đề cập về một số luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch; chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ. Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức; chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông, hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, các cảng, các bến tàu của Hải Phòng là cảng tổng hợp và hàng hóa, không có bến du thuyền quốc tế, không có cảng tàu du lịch, tại nhiều điểm đến không có bến tàu...
Trước đó, sáng cùng ngày diễn ra Hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cũng đã tổ chức Đoàn khảo sát trải nghiệm với mục tiêu: Đánh giá các điểm nổi bật của tuyến cảnh quan hành lang sông, sông biển, địa điểm dự kiến xây dựng các bến tàu đón trả khách, các điểm tham quan trải nghiệm, điểm check in cho du khách, đánh giá mức độ hấp dẫn, an toàn cho du khách; khảo sát tuyến du lịch cảnh quan dọc Sông Cấm - Sông Đá Bạc (Bạch Đằng Giang) - Sông Ruột Lợn với các bến: Cảng Hồng Bàng - Cảng Hoàng Diệu - Bến du thuyền Vũ Yên - Bến Bạch Đằng Giang - Cảng Cá Mắt Rồng - Cảng Hồng Bàng.