Liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, tổng thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) mong muốn tiếp tục được hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của gói thầu EPC và gửi đến Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) báo giá mới để hoàn thành hợp đồng với chi phí hơn 136,89 triệu USD.
Bình luận về thông tin này, chuyên gia luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, mức giá mà tổng thầu Trung Quốc đưa ra để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của hợp đồng là cao, đồng thời thẳng thắn bày tỏ quan điểm không nên tiếp tục dự án trên.
Lý giải cho quan điểm của mình, GS.TSKH Phạm Phố cho rằng, nếu TISCO và MCC đàm phán đi đến thỏa thuận tiếp tục thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên thì cũng không được vấn đề gì vì MCC sẽ lại thực hiện dự án với những thiết bị, công nghệ lạc hậu. Hệ quả là dự án sau khi hoàn thành sẽ lại đắp chiếu, sản phẩm không cạnh tranh được.
"Hiện nay, sản xuất thép của ta đã dư thừa. Nếu đồng ý để MCC tiếp tục hoàn thành hợp đồng thì có khả năng họ vẫn đưa những thiết bị lạc hậu, chất lượng không đảm bảo sang.
Trung Quốc có công nghệ, thiết bị hiện đại nhưng liệu họ có chuyển giao những thứ hiện đại ấy cho Việt Nam hay chỉ chuyển giao những thiết bị, công nghệ lạc hậu, rẻ tiền, thậm chí có khi họ còn dỡ nhà máy cũ đưa sang lắp ráp ở Việt Nam?
Dự án này đã kéo dài 10 năm, nhưng thiết bị Trung Quốc đưa sang thậm chí có loại đã có cách đây hàng chục năm. Những thiết bị đó, theo tôi được biết, là thiết bị của thời kỳ "đại nhảy vọt". Làm dự án với những thiết bị đó, hậu quả sẽ rất lớn: giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được, cuối cùng lại thua lỗ, đắp chiếu.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án thua lỗ lớn của ngành Công thương.
Tôi cho rằng Bộ Công thương không nên chấp nhận làm dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên trên cơ sở tiếp tục công trình cũ vì thiết bị, công nghệ đã lạc hậu. Bỏ thêm hơn 136,89 triệu USD là quá lớn để rồi cuối cùng lại vất đi thì không thể chấp nhận được.
Không những không đồng ý để tổng thầu Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện hợp đồng EPC mà cơ quan quản lý cần phải thanh lý toàn bộ những thiết bị Trung Quốc đã cung cấp. Nếu quyết tâm xây dựng một nền luyện kim đàng hoàng thì chúng ta phải xây dựng mới, không phải trên công nghệ và thiết bị của Trung Quốc đã chuyển giao.
Tốt nhất là nên xem doanh nghiệp nào ở trong nước có tài chính vững mạnh bán lại cho họ. Doanh nghiệp đó mua xong cải tạo lại, bỏ thiết bị, công nghệ cũ đi, làm bằng thiết bị, công nghệ mới và quan trọng là họ sử dụng được mặt bằng của khu Gang thép Thái nguyên", vị chuyên gia phân tích.
Ông cũng chỉ ra rằng, TISCO muốn tiếp tục đàm phán với Tổng thầu Trung Quốc để hoàn thành dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là vì khu gang thép Thái Nguyên là đứa con đầu tiên của Việt Nam về gang thép, được hình thành trên cơ sở sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc.
Nếu bây giờ tiếp tục đàm phán với tổng thầu Trung Quốc để hoàn thành dự án, công ty sẽ tồn tại, bộ máy lãnh đạo sẽ tồn tại và cả công ăn việc làm của hàng vạn công nhân sẽ được giải quyết. Theo GS.TSKH Phạm Phố, TISCO có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề của mình nếu tiếp tục dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhưng điều mà TISCO chưa nghĩa đến, đó là thiệt hại của Nhà nước.
Ông cho rằng, việc lợi mình, gây hại cho Nhà nước cũng là một loại lợi ích nhóm.
"Rồi khi dự án hình thành, nó đi đến đâu là chuyện của Nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm đối với TISCO, tất cả quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm và sẽ do Nhà nước chịu trách nhiệm", GS Phố nhận định.
Trước băn khoăn nếu dừng lại dự án, số tiền 4.851 tỷ đồng (theo báo cáo kiểm toán độc lập của hãng kiểm toán AASC tính đến ngày 31/12/2017- PV) đã đầu tư vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 sẽ mất trắng, GS.TSKH Phạm Phố đặt lại câu hỏi:
Một cái chân bị ung thư thì phải cắt bỏ để tất cả bộ phận khác được bảo vệ, khỏe mạnh và không bị di căn hay cứ cố gắng chữa cái chân đó mà chữa không xong, cuối cùng nó di căn đến toàn bộ cơ thể?
"Đó là vấn đề cần suy nghĩ. Bây giờ vất bỏ nó đi, chịu thiệt thòi một phần nhưng cái được là giải quyết dứt điểm một dự án đã lạc hậu, làm ăn đã thua lỗ để rồi tìm một tương lai mới với công nghệ mới, thiết bị mới. Còn nếu cứ tiếp tục dự án, hoàn thiện cuối cùng lại vất đi. Vậy thiệt hại nào lớn hơn?
Nếu không mạnh dạn, sáng suốt để vất bỏ phần đã lỗi thời, cứ đâm lao theo lao thì rồi sẽ càng thua lỗ nữa, cuối cùng không được gì cả", nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia nhắc lại trường hợp của Vinashin. Nhiều dự án của Vinashin được ưu đãi cơ chế, rót vốn vào mà không tính đến hiệu quả, cuối cùng Vinashin rơi xuống vực phá sản, nợ của Vinashin Nhà nước vẫn đang phải trả thay.
Việt Anh (Theo http://baodatviet.vn)