TP. Hồ Chí Minh đang thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm), công nghiệp điện tử, công nghiệp Internet vạn vật (IoT)..., đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
TP. Hồ Chí Minh coi phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 18% GRDP). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm) tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.
Trong đó, ngành CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, Thành phố coi phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển CNHT như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển CNHT Thành phố trực thuộc Sở Công Thương... Bên cạnh đó là chỉ đạo triển khai các nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2023, bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm CNHT; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; Hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp CNHT; Xây dựng và vận hành Cổng thông tin CNHT Thành phố.
Hiện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp CNHT. Song song đó là các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Trong năm 2022, Sở Công Thương thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu UBND Thành phố phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp CNHT với tổng mức đầu tư là 2.336 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành CNHT của TP. Hồ Chí Minh còn phát triển nhỏ lẻ. CNHT chủ yếu là phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trong thời gian tới, để ngành CNHT TP. Hồ Chí Minh phát triển tương xứng với tiềm năng, từng bước tự chủ được nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Thành phố cần tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế trong phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Cùng với việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp, Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.