Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch LHHVN cho biết, những kết quả đạt được trong thời gian qua của các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống báo chí LHHVN là đáng khích lệ, tự hào. Tuy nhiên, để hoạt động báo chí của LHHVN phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống LHHVN cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa. Trước hết là phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung. Với vai trò báo chí cách mạng, phải dẫn dắt dư luận, truyền tải, chia sẻ thông tin, cạnh tranh hợp pháp. Các cơ quan báo chí phải đổi mới để tồn tại và phát triển, đặc biệt là phải coi trọng vai trò của bạn đọc để đưa tờ báo của mình thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của LHHVN.
PGS,TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch LHHVN Phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các diễn giả cùng thảo luận những ảnh hưởng từ sự phát triển thông tin trên không gian mạng, từ đó rút ra những giải pháp để báo chí ngày càng ổn định và phát triển, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Nhà báo Vũ Tuấn Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý cho rằng, môi trường internet phát triển quá nhanh và sự tự do trong việc đăng tải tin tức mạng xã hội khiến những thông tin giả, tin rác và tin chính thống đang trộn lẫn, cạnh tranh nhau trên không gian mạng. Do đó, liên minh giữa các cơ quan báo chí để bảo vệ nguồn thông tin chính thống, tin cậy là việc làm cần thiết. Các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau trong việc đưa tin bản quyền, dẫn tin của nhau; bắt tay nhau trong việc cùng chia sẻ nguồn tin, có cùng quan điểm để phát triển luồng thông tin, tuyến bài viết, đề tài triển khai.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân trí) nhận định, mạng xã hội tuy có nhiều lợi thế đưa thông tin tới độc giả nhanh chóng, song nội dung chủ yếu là giật gân, câu khách. Trong khi đó, lực lượng phóng viên cũng như quy trình làm báo hiện nay ở nước ta rất chặt chẽ, phải thông qua kiểm định để đưa thông tin chính xác. Do đó, báo chí chính thống vẫn có thể giữ vai trò của mình bằng việc truyền tải thông tin có kiểm chứng, thông tin chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, hay những thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, với những bài phân tích, bình luận đa chiều.
“Làm báo cốt ở ba điều: Độc giả quý mến, đồng nghiệp nể trọng, đời sống cán bộ phóng viên cao nhờ thu nhập chính đáng” - Nhà báo Bùi Hoàng Tám nhấn mạnh.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân trí) đang chia sẻ tại Hội thảo
Nêu ý kiến ý kiến về phát triển tạp chí điện tử chuyên biệt trong bối cảnh không gian mạng hiện nay, Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Gia đình mới nêu rõ, không gian mạng ngày càng rộng mở do sự phát triển của công nghệ, nhưng không gian dành cho báo chí ngày càng bị thu hẹp cả về phạm vi đưa tin lẫn khả năng tìm kiếm doanh thu. Xu hướng này đặt những người làm báo trước sự lựa chọn mang tính sống còn: Phát triển hệ thống báo chí có thu phí hoặc phát triển báo chí chuyên biệt trên cơ sở thông tin có kiểm chứng, có hệ thống chuyên gia uy tín đồng hành. Theo Nhà báo Trần Trọng An, phát triển báo chí chuyên biệt là mô hình phù hợp với xu hướng quy hoạch báo chí cũng như có thể tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của từng cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí có thể tận dụng ưu thế riêng của lĩnh vực mình, lan toả các công trình nghiên cứu, lý luận, các thông tin tích cực, hữu ích tới bạn đọc thông qua mạng xã hội. Không gian mạng hiện nay đang thừa thông tin giật gân, câu views, thiếu các thông tin có hàm lượng tri thức cao. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho các tạp chí thuộc hệ thống báo chí LHHVN.
Nhà báo Phạm Việt Long, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển nhận định, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, mang tính bùng nổ. Trong khi đó, công tác quản lý chưa phát triển kịp. Sự thúc đẩy báo chí nói chung và báo chí LHHVN tham gia mạnh mẽ vào mạng chưa đủ độ. Thậm chí, còn có tình trạng quay lưng lại mạng xã hội, muốn kìm hãm sự phát triển của nó.
Nhà báo Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y khẳng định, thông tin trên mạng chiếm ưu thế về thời gian, song báo chí vẫn có thể giữ vai trò của mình bằng thông tin có kiểm chứng, thông tin chính xác. Muốn tồn tại, phát triển, mỗi cơ quan báo chí cần phải giữ được bản chất, bản lĩnh tờ báo của mình.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, trong tình hình hiện nay, mạng xã hội vừa là đối tác cũng vừa là đối thủ đối với báo chí, có sự giao thoa nhưng cũng có ranh giới. Ngoài tác dụng tích cực như là: Kênh thu thập thông tin, kênh kiểm chứng thông tin, kênh quảng bá thương hiệu cho báo chí… thì thực trạng tin giả (fakenews) và phải chia sẻ nguồn thu khiến mạng xã hội là thách thức lớn với báo chí chính thống.
Để một cơ quan báo chí không bị “lép vế” trước sự “tấn công” của mạng xã hội, cần 4 trụ cột: Đầu tư cho nội dung, công nghệ để phục vụ công chúng; làm tốt kinh tế báo chí; xác định rõ nhóm bạn đọc để hướng tới; xây dựng thương hiệu và định vị thương hiệu cho tòa soạn.
Mỗi giai đoạn phát triển của xã hội đều đặt ra những cơ hội và thách thức riêng với báo chí. Trước sức ép của mạng xã hội, điều quan trọng là người làm báo phải luôn vững ngòi bút, vượt lên chính mình để bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đồng thời phải góp phần cho sự ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.