Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã chứng kiến Lễ ký kết Hợp đồng xây dựng tuyến băng tải than Lalay.
Dự án có chiều dài hơn 6 km, tổng vốn đầu tư 1.489,27 tỷ đồng nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn và tăng khối lượng vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam.
Trong những năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam diễn ra rất sôi động. Tại Lào hiện nay, Tập đoàn Phonesack (Lào) đang là chủ dự án tại mỏ than Kaleum, tỉnh Xê Kông có trữ lượng gần 1 tỷ tấn, cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 118 km. Do đó, việc vận chuyển qua cửa khẩu La Lay là tuyến đường ngắn nhất về các cảng biển tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, mặc dù nhu cầu nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay đang tăng cao. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế La Lay đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng vẫn còn thấp (1,2-2 triệu tấn/năm), không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
Việc xây dựng dự án băng tải vận chuyển than dạng kín từ bãi tập kết phía Lào qua biên giới tới bãi tập kết tại Việt Nam là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề khó khăn và tăng khối lượng và khả năng vận chuyển than.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và mỏ giữa Việt Nam và Lào, triển khai các thỏa thuận cấp cao của hai nước, trong đó có việc nâng cao năng lực vận chuyển than từ Lào về Việt Nam; được sự ủng hộ của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Liên danh Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) - Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Xanh (GP Holdings) và Tập đoàn Phonesack- Công ty TNHH Nam Tiến đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc "Thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống băng tải 6,3 km vận chuyển than qua biên giới, từ Lào về Việt Nam tại cửa khẩu La Lay" tháng 4 năm 2024.
Dự án sẽ đầu tư đầy đủ hoàn thiện hệ thống, dây chuyền công nghệ từ khâu tiếp nhận than tại vị trí: Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào đến trạm chuyển tải TKB2 (phía Việt Nam), điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã ANgo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Toàn tuyến này được chia thành 7 đoạn và 7 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ gồm: Các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát...
Tập đoàn Phonesack là chủ đầu tư dự án, có nhu cầu hợp tác với nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) cho dự án trên. Sau ký kết, Tập đoàn đã triển khai hạng mục hệ thống kho than và tuyến băng tải dài 6,3 km xuyên qua biên giới Việt - Lào.
Hợp tác với Tập đoàn Phonesack trong dự án, Việt Nam thành lập Liên danh nhà thầu gồm Viện Nghiên cứu cơ khí và GP Holdings. Trong đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME), đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, là cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của Nhà nước về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá. GP Holdings là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư, thương mại và dịch vụ. Hai bên sẽ hợp tác để thực hiện Dự án “Xây dựng kho bãi và hệ thống băng tải kết nối hai kho bãi để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Sả-lạ-văn)” do PKG làm chủ đầu tư.
Liên danh đã có nhiều kinh nghiệm và có đủ nguồn lực để thực hiện nhiều gói thầu EPC trong lĩnh vực công nghiệp cho các chủ đầu tư trong nước và quốc tế. Trong lĩnh vực vận chuyển bằng băng tải, Liên danh đã thực hiện nhiều hệ thống băng tải có năng suất cao, chiều dài lớn, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như: Hệ thống vận chuyển than Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; hệ thống 2 tuyến băng tải (mỗi tuyến dài 5 km) của Nhà máy bô xít Tân Rai và Nhân Cơ ở Việt Nam; hệ thống băng tải vận chuyển than, thạch cao, đất sét cho Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Chủ đầu tư Nhật Bản);…
Toàn tuyến băng tải xuyên biên giới Việt - Lào dài khoảng 160 km từ mỏ XPPL (Lào) đến cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị, Việt Nam), trong đó: 85 km tuyến băng tải nằm trên lãnh thổ Lào, 6,3 km tuyến băng tải xuyên qua biên giới Việt - Lào và 70 km tuyến băng tải nằm trên lãnh thổ Việt Nam.