Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những nội dung hấp dẫn về hiệu quả chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành lưới điện; Quản trị, kết nối và chia sẻ dữ liệu ngành sản xuất; Kinh nghiệm áp dụng sản xuất thông minh; An toàn, an ninh thông tin trong Chuyển đổi số ngành Công Thương; Tận dụng sức mạnh của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong thúc đẩy kinh tế số….
Bộ Công Thương đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp giai đoạn tới là triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Hoạt động ứng dụng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được doanh nghiệp triển khai một cách mạnh mẽ và trở thành những giải pháp cấp bách mang tính sống còn để vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và những giải pháp để nâng cao nội lực của các doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, chuyển đổi số đã mang lại cho các doanh nghiệp những hiệu quả không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ còn đem đến các cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại mới.
Các diễn giả chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam.
Có thể nói, chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng đã trở thành nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên các nhà quản lý doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn khi đưa quyết định chuyển đổi khi nào, chuyển đối ra sao trong thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng và lựa chọn tích cực nhưng phải gắn liền với định hướng sản xuất kinh doanh, phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp.…
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương khẳng định, ứng dụng công nghệ 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đổi số để tiến tới sản xuất thông minh là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. Nếu như lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh quá trình phát triển trong xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ từ Cuộc Cách mạng lần thứ tư thì trong khu vực sản xuất vẫn là những bước đi có phần chậm chạp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại, đồng thời, phải tạo ra môi trường và những đòn bẩy phù hợp. Trong đó, cần ưu tiên cho các nhóm giải pháp bao gồm: Giải pháp tác động đến các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới các yếu tố hỗ trợ, tác động trực tiếp tới các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung.