Vượt qua thử thách
Nói đến các DN có thế mạnh về xuất khẩu cơ khí trong nước hiện nay, không thể không nhắc đến Công ty Cổ phần Lilama 18 (Lilama 18) thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) với giá trị xuất khẩu khoảng 400 tỷ đồng/năm. Nhưng Lilama 18 không phải có được những thành công như vậy ngay từ bước đầu. Họ cũng đã phải trải qua rất nhiều những “thử thách” và những đòi hỏi khắt khe từ phía đối tác.
Ông Đặng Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Lilama 18 nhớ lại: Năm 1996, Lilama 18 có hợp đồng xuất khẩu đầu tiên sang Úc. Sản phẩm đạt chất lượng, xuất khẩu sang đến Úc thì bị giữ lại cảng với lý do khâu đóng kiện hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của nước sở tại. Nếu như ở trong nước, nhiều người vẫn nghĩ chỉ cần sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, còn hàng hóa đóng thế nào cũng được thì tại Úc, đối tác quan tâm đến cả những chi tiết như: Gỗ để đóng hàng có xuất xứ từ đâu, đã được cấp phép khai thác, tẩy trùng chưa, có ảnh hưởng đến môi trường của nước sở tại không?...Nếu không trả lời được các yêu cầu này, hàng sẽ không được nhập khẩu vào Úc. Sau lần phải sang tận Úc để khắc phục sự cố về đóng hàng như vậy, Lilama 18 đã thuê riêng một chuyên gia nước ngoài đảm trách việc hàng xuất khẩu đi nước nào thì đóng gói như thế cho phù hợp.
Nói như vậy để thấy, để có đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài đã khó, thực hiện các quy trình đóng gói sản phẩm theo yêu cầu của nước sở tại – điều vốn khá dễ dãi ở Việt Nam, cũng không kém phần quan trọng, bởi chỉ cần một trong các yếu tố này không đạt yêu cầu, toàn bộ đơn hàng cũng sẽ bị hủy bỏ.
Lãnh đạo Lilama 18 cho biết, yếu tố quan trọng đầu tiên để Lilama 18 có thể xuất khẩu được là chất lượng sản phẩm phải luôn luôn đảm bảo, ổn định, lô hàng thứ nhất cũng như lô hàng thứ “n”. Bên cạnh đó, phải tạo được niềm tin đối với khách hàng bằng uy tín, giá cả và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Thành, Phó Tổng Giám đốc Lilama 18 kiêm Giám đốc Nhà máy Cơ khí chia sẻ: Khi đối tác nước ngoài đến tìm hiểu, họ đưa ra các yêu cầu rất khắt khe, mình cứ nghĩ là họ làm khó mình. Nhưng khi bắt tay vào làm đúng theo thiết kế, tiêu chuẩn của họ thì thấy mình hoàn toàn có thể làm được từ sản phẩm đến quản trị DN. Người lao động Việt Nam cũng học hỏi được rất nhiều từ cách thức làm việc chuyên nghiệp này. Bắt đầu hợp tác từ năm 2009, hãng Kocks Ardelt Kranbau đã chọn Lilama 18 là đơn vị chế tạo kết cấu thép cẩu container duy nhất tại Việt Nam cho những dự án quan trọng của mình. Hai công ty đã hợp tác trong nhiều dự án và xuất thành công nhiều cẩu container đến các nước Myanma, Nga, Canada. Riêng năm 2014, Lilama 18 đã ký hợp đồng chế tạo 10 cẩu. Năm 2015, hai bên đã ký kết hợp đồng chế tạo tiếp 09 cẩu và đang tiếp tục xem xét ký thêm nhiều hợp đồng trong thời gian tới.
Biến thách thức thành cơ hội
Theo các chuyên gia, điều mà đối tác nước ngoài lo ngại nhất khi tìm hiểu tại thị trường Việt Nam, đó là liệu chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không? Chất lượng sản phẩm không ổn định, quản trị DN chưa chuyên nghiệp, tiến độ chậm là những hạn chế mà nhiều DN mắc phải nhất hiện nay.
Nếu như ở trong nước, nhiều DN đang rất khó khăn trong việc tìm việc làm cho người lao động thì xuất khẩu là một hướng đi khả quan mà nhiều DN hướng đến. Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại châu Á Thái Bình Dương (TPP), cánh cửa tham gia vào một thị trường lớn đầy tiềm năng đang mở ra...Thế nhưng, DN trong nước có tận dụng được cơ hội này hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Vào TPP sẽ rất có lợi nếu ai đã tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu của các DN cơ khí lớn nước ngoài.
Như với Lilama 18, khi đã tham gia được vào chuỗi liên kết toàn cầu rồi thì không còn bị áp lực về tìm kiếm đơn hàng nữa, doanh thu ngày một tăng. Đặc biệt, khi thị trường rộng mở, cơ hội xuất khẩu sẽ cao hơn khi Lilama 18 đã có sẵn kinh nghiệm tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu của các tập đoàn cơ khí lớn nước ngoài.
Còn với ai chưa tham gia được thì rất khó để “chen chân” khi mà cách làm ăn theo kiểu không đảm bảo chất lượng, quản trị DN thiếu chuyên nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Nhiều DN èo uột, thực lực chả có gì, DN nước ngoài đến tìm hiểu rồi đi.
Để có thể trở thành bạn hàng của DN cơ khí nước ngoài, tham gia vào chuỗi của họ cần một quá trình chứng minh năng lực lâu dài (ít nhất là 3 năm) bằng những đơn hàng ban đầu rất nhỏ, với một hệ thống quản trị DN bài bản. Đáng tiếc điều này rất nhiều DN cơ khí trong nước đã bỏ qua.
Một số chuyên gia nước ngoài đánh giá, năng lực của cơ khí Việt Nam tương đương với Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng gám đốc Lilama chia sẻ, khi ông tháp tùng đoàn công tác của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thăm một DN Cơ khí ở Trung Quốc thì thấy, họ sản xuất rất nhiều và phần lớn vật liệu quan trọng đều nhập khẩu. Chỉ có lan can cầu thang là họ làm. “Vẫn còn cơ hội cho DN Việt Nam khi hội nhập với thế giới. Có những vật liệu Trung Quốc phải nhập khẩu, mình cũng nhập khẩu. Điều quan trọng là mình có cạnh tranh được với họ về chất lượng sản phẩm hay không mà thôi”, ông Tuấn khẳng định.