Trong báo cáo “Cán cân thương mại Việt Nam: Những nhân tố ảnh hưởng và khuyến nghị chính sách”, do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện, các chuyên gia đã chỉ ra những mặt trái của việc tăng trưởng vốn FDI tại Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI gia tăng, nhưng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng tăng nhanh. Điều này phản ánh các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, chỉ tạo giá trị gia tăng thấp cho kinh tế nội địa, không đóng góp tích cực đến cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ và quản trị quốc gia. Minh chứng rõ nhất là nhập khẩu của khu vực FDI có tốc độ gia tăng lên tới 24,59%/năm (2001 - 2009). Năm 2013, nhập khẩu của khối FDI đã chiếm tới 56,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước (tăng 24,3%) và 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8%, chiếm tỷ trọng 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm ngành điện thoại và linh kiện điện tử của khối FDI trong những năm gần đây tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu nhưng giá trị nhập khẩu linh kiện và các yếu tố đầu vào cũng rất lớn. Cụ thể: năm 2012, nhóm hàng điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu 20,5 tỷ USD nhưng giá trị nhập khẩu vào khoảng 13,1 tỷ USD khiến giá trị gia tăng xuất khẩu của các nhóm hàng này không cao. “Nếu tiếp tục duy trì cấu trúc như hiện nay, khu vực FDI không làm lan tỏa được về công nghệ, lan tỏa đến sản xuất các sản phẩm phụ trợ của khu vực kinh tế trong nước. Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ bước “bẫy” giai đoạn thấp của chuỗi giá trị toàn cầu và khó có thể vượt ra khỏi bức “trần” về công nghệ và cơ cấu sản xuất”.
Để tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI cần có thêm những cơ chế đặc thù để hình thành một số khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành quan trọng như linh kiện điện tử và cơ khí tại một số địa phương gắn với các ngành công nghiệp chế tạo và điện tử.
Khuyến nghị chính sách
Muốn gia tăng đóng góp của khu vực FDI để cải thiện cán cân thương mại, bắt buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất của khu vực này- các chuyên gia khuyến nghị. Theo đó, thay vì chỉ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng nhân công rẻ để gia công thì cần đầu tư vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và đi kèm với nó là phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, điểm mấu chốt là phải xây dựng được các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đại, mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Cùng với việc thu hút các công ty lớn, đa quốc gia sản xuất các ngành có giá trị gia tăng tại Việt Nam cũng cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ của thế giới (đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, phải khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, bán thành phẩm...