Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng tiến tới trở thành nhà cung ứng của Samsung.
Công nghiệp hỗ trợ được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tỉnh đã và đang từng bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng hiện đại và bền vững; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, góp phần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trong đó, có 272 doanh nghiệp FDI. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu tập trung phục vụ 03 lĩnh vực chính, gồm: Lắp ráp sản phẩm điện tử; cơ khí; thực phẩm, đồ uống công nghệ cao, tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động, riêng doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương Bắc Ninh) đã tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh”.
Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung sau: Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tình hình hiện nay tại tỉnh và định hướng, mục tiêu phát triển trong những năm tiếp theo; chính sách, cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh tới các nhà đầu tư nước ngoài; tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng, xúc tiến đầu tư thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ; tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam với các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, láp ráp trong và ngoài nước; những khó khăn cần tháo gỡ để đưa ra phương án giải quyết nhằm cải thiện môi trường sản xuất và phát triển công nghiệp tại Tỉnh.
Để tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh gồm: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử; Cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Chế biến thực phẩm - đồ uống, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với đối tượng sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, trên cơ sở các tiêu chuẩn, yêu cầu của tập đoàn đa quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phát huy lợi thế tham gia chuỗi cung ứng cho các dự án FDI trên trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp; chuyển công nghiệp sang sản xuất, chế tạo, công nghệ cao; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng sáng chế, sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển nước ngoài; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ.
Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% - 9%. Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.