Thực trạng ngành cơ khí nước ta
Ngành cơ khí là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, để ngành cơ khí có thể phát huy được tiềm năng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí là điều cần thiết và cấp thiết.
Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam.
Theo báo cáo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Việt Nam hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với số lượng cơ sở sản xuất là 53.000. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chiếm khoảng 7% thị trường.
Thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ ô tô và phụ tùng ô tô. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.
Linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật, năng lực của doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước tăng lên khá tốt...
Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Các chuyên gia đánh giá, với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Đặc biệt, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp cơ khí đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhận định: Doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Song, có một thực tế là chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Cần có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí
Trước những tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cơ khí gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng…, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, theo VAMI, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính…
Một số chuyên gia trong ngành cơ khí cho rằng, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đồng thời, giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước doanh nghiệp FDI. Nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Cục Công nghiệp cũng đưa ra giải pháp sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.