Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)
Từ 1/10 năm nay, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp, nhằm quản lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất của tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM.
Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Cơ chế được chia thành ba giai đoạn. Từ tháng 10/2023 - 2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Từ năm 2026-2034: doanh nghiệp mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM.
Dù là nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, nhưng cơ chế carbon sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu. Theo ước tính của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%.
Theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ của WB, loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với thép, nhôm, xi măng xuất khẩu Việt Nam vào EU. Hiện một số công ty thép thuê tư vấn giám sát, chủ động kế hoạch giảm 50% lượng khí thải carbon qua kỹ thuật tiên tiến là sản xuất thép bằng hydro.
Bộ Công Thương dự báo, giai đoạn 2020 - 2025 ngành thép sẽ tăng trưởng mạnh, đi kèm là lượng phát thải của toàn ngành năm 2025 dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với phát thải năm 2020, khoảng 49 triệu tấn CO2.
EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu ước đạt gần 8 tỷ đô la trong năm 2022. Nửa đầu năm nay, 1,36 triệu tấn thép đã được xuất sang EU, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành thép phải ứng phó các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính theo Cơ chế CBAM của châu Âu. Việc thực hiện giảm phát thải sẽ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất thép đều chịu tác động chi phí đó. Rõ ràng, đây là sức ép và cũng là động lực thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh đối với ngành thép để hướng tới xuất khẩu mạnh hơn sang các thị trường.
Ngành thép hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
Để giúp các doanh nghiệp thực thi CBAM của châu Âu cũng như thực hiện tốt Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính, ngày 12-13/9 tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh”. Hội thảo là diễn đàn cung cấp, trao đổi thông tin đa chiều và mới nhất của các cơ quan Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia, doanh nghiệp thép trong và ngoài nước về quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam, khu vực và quốc tế, dòng chảy thương mại. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế. Hội thảo gồm 4 phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề: Công nghiệp thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050; kinh nghiệm, lộ trình trung hòa các-bon của các quốc gia và Khuyến nghị cho Việt Nam; định hướng chuyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa carbon trong sản xuất thép và Cơ chế hợp tác; lộ trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo “Ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh”.
Tại hội thảo, các nhà sản xuất thép sẽ hiểu rõ hơn về cách các công nghệ khử cacbon công nghiệp qua đó giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của họ cũng như các cơ hội và thách thức liên quan đến giao dịch carbon, từ đó có thể áp dụng để đáp ứng các quy định ngày càng chặt chẽ nhằm hướng đến mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 và yêu cầu khắt khe về thép có hàm lượng carbon thấp của người mua cuối trong chuỗi giá trị.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp thép hiểu rõ hơn về cách các công nghệ khử cacbon công nghiệp có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của họ và các cơ hội và thách thức liên quan đến giao dịch carbon thông qua đào tạo về kiểm kê, giảm thiểu và báo cáo phát thải khí nhà kính ở cấp độ doanh nghiệp cho các công ty thép. Hội thảo cũng cung cấp cho các công ty thép công cụ tính toán (mô hình excel) có thể sử dụng để lập báo cáo phát thải khí nhà kính hàng năm và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính theo quy định của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động tích cực của cơ chế này.
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng Enerteam cho rằng, đây được cho là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam khi mà tỷ lệ phát thải khí nhà kính trung bình của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình của thế giới khoảng 23%. Cụ thể mức phát thải trung bình trong ngành thép của Việt Nam hiện đang ở mức 2,51 tấn CO2/tấn thép thô trong khi mức trung bình của thế giới là 1,85 tấn CO2/tấn thép thô”.
Về phía các doanh nghiệp, khi CBAM được áp dụng, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại theo quy định của WTO. Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2.