Trung Quốc ban hành và áp dụng nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô.
Ngay từ cuối những năm 1970, Trung quốc đã nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản và ban hành các chính sách thông thoáng thu hút FDI vào ngành công nghiệp ô tô. Do đó, hầu hết các hãng ô tô lớn trên thế giới như Volkswagen của Đức, GM và Ford của Mỹ, Toyota của Nhật Bản và Peugeot – Citroen và Fiat của châu Âu đều sớm có mặt tại Trung quốc.
Sau đó, để tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, Trung quốc tiếp tục có những điều chỉnh chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Trước hết, quốc gia này thiết lập các chính sách khuyến khích quá trình học hỏi công nghệ, và chuyển từ liên kết ngang (theo chiều rộng) sang liên kết dọc (theo chiều sâu) trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô nội địa. Đặc biệt, Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu dùng nội địa, mà ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu ô tô sản xuất ở nước ngoài, nhằm tận dụng lợi thế thị trường và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc khuyến khích phát triển công nghệ, Trung Quốc còn đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút các công ty FDI trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành này. Năm 1996, Bắc Kinh đưa ra Quy định về khuyến khích FDI, theo đó, giảm mức thuế thu nhập cho các doanh nghiệp FDI từ 30% xuống còn 15%, đặc biệt các doanh nghiệp ở đặc khu kinh tế chỉ còn 10%; miễn thuế 5 năm đầu cho doanh nghiệp FDI mới thành lập ở những đặc khu, miễn thuế thu nhập khi chuyển lãi ra nước ngoài, hoàn trả thuế thu nhập cho phần lợi nhuận dùng để tái đầu tư… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ban hành và áp dụng nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô nội địa rộng lớn, và kết nối các nhà sản xuất trong nước; khuyến khích các hãng trong nước thực hiện liên kết, liên doanh với các hãng lớn nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp phụ tùng, linh kiện nội địa; xây dựng và khuyến khích áp dụng các chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nội địa; đồng thời cho phép các hãng ô tô nước ngoài tham gia chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua việc thiết lập các tiêu chí lựa chọn. Qua đó, tạo ra những cơ hội rất lớn cho các hãng nội địa Trung Quốc học hỏi công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và tham gia vào chuỗi giá trị ngành ô tô toàn cầu.
Cùng với việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một công cụ trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, Trung Quốc còn xây dựng và phát triển mạnh các cụm công nghiệp tập trung các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch, thúc đẩy quá trình học hỏi và chuyển giao công nghệ, tạo một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khu vực tư nhân tham gia vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và cuối cùng cải thiện năng lực cạnh tranh chung của toàn ngành.
Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương; đồng thời chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nhanh chóng làm chủ công nghệ và hướng tới nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Nhờ những chính sách này, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Trung Quốc đã liên tục tăng qua các năm.