Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu chi phí, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng tới phát triển bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo ông Chu Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục Công nghiệp đã triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong hành trình chuyển đổi số. Thông qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, hàng loạt mô hình áp dụng chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh đã được giới thiệu và thực hiện thí điểm.
Hệ thống máy móc ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (huyện Thường Tín).
Các chương trình này không chỉ tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, mà còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng hệ thống điều hành sản xuất (MES), hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), tích hợp các nền tảng dữ liệu thông minh vào quá trình vận hành sản xuất.
Cùng với đó, Bộ Công Thương còn tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, LG hay Honda để tổ chức các hoạt động đào tạo, cải tiến sản xuất, xây dựng mô hình nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những nỗ lực này đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ động nhập cuộc
Không chỉ thụ động chờ hỗ trợ từ chính sách, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã chủ động triển khai các kế hoạch chuyển đổi số theo lộ trình rõ ràng.
Ông Hoàng Hữu Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho biết: “Chúng tôi đã chuyển đổi số theo từng giai đoạn, tập trung vào tự động hóa và thống kê dữ liệu. Nhờ đó, doanh nghiệp có cơ sở đưa ra các quyết định chiến lược khoa học, kịp thời bảo trì, chăm sóc khách hàng, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả vận hành”.
Intech Group hiện là nhà cung cấp thiết bị và hệ thống công nghiệp tự động hóa, đã trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Apple… Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc chuyển đổi số gắn liền với nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Tương tự, Công ty CP Sản xuất Gia công và Xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cũng xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ chiến lược. Theo ông Trần Đức Tùng – Phó Tổng Giám đốc Hanel PT, doanh nghiệp đã nâng tỷ lệ tự động hóa vận hành lên khoảng 60% và đang hướng tới con số 80% trong tương lai gần.
“Chuyển đổi số không thể thành công nếu thiếu sự cam kết từ ban lãnh đạo. Doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng, đi kèm nguồn lực đầu tư bài bản vào công nghệ thông tin (IT), công nghệ vận hành (OT) và nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Tùng khẳng định.
Kỳ vọng từ chính sách hỗ trợ
Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không ít chông gai. Một số rào cản phổ biến có thể kể đến như: thiếu thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thủ tục tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính còn phức tạp; thiếu nhân lực có kỹ năng số; chi phí đầu tư vào công nghệ và nền tảng IT còn cao...
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước vẫn còn khó khăn do quy trình rườm rà, khối lượng thủ tục lớn, đôi khi chi phí để chuẩn bị hồ sơ còn cao hơn cả giá trị gói hỗ trợ nhận được. Trong khi đó, nguồn thông tin chính thức về các chương trình tài trợ, vay vốn ưu đãi, hoặc các chính sách R&D vẫn chưa đến được với phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Trần Đức Tùng (Hanel PT) nhấn mạnh: “Chúng tôi rất cần những gói vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu phát triển (R&D). Thực chất, chuyển đổi số chính là một phần trong hoạt động R&D. Nếu không có hỗ trợ mạnh từ Nhà nước thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp cận công nghệ mới”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp), hiện tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng với chuyển đổi số còn thấp. Các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc xây dựng nền tảng công nghệ, thiếu kỹ năng số, thiếu tư duy chuyển đổi và gặp rào cản về văn hóa doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp được đưa ra là hình thành các khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ tại ba miền Bắc – Trung – Nam, đồng thời thúc đẩy đào tạo kỹ sư và công nhân kỹ thuật chất lượng cao. Ngoài ra, cần có chính sách linh hoạt cho phép nhập khẩu thiết bị công nghiệp đã qua sử dụng nhưng vẫn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật – điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà vẫn tiếp cận được công nghệ tiên tiến.
Theo ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, các nhà sản xuất lớn hiện đều vận hành chuỗi cung ứng gần như hoàn toàn tự động. “Doanh nghiệp Việt chưa cần đạt đến mức đó ngay, nhưng phải từng bước tiếp cận – bắt đầu từ chuyển đổi số. Đây là nền tảng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in Vietnam” như khuôn mẫu, linh kiện xe máy, dây cáp điện, linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật, săm lốp… đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU và được các tập đoàn như Samsung, Toyota, Honda, LG, Apple tin dùng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao hơn – tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng lớn – doanh nghiệp cần kết hợp đồng bộ chuyển đổi số với chiến lược phát triển bền vững, nâng cao năng lực R&D, và nhất là đầu tư vào con người.
Công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là một hành trình dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm từ lãnh đạo doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành thiết thực từ Nhà nước. Nếu vượt qua được những rào cản hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào “sân chơi lớn” của chuỗi cung ứng toàn cầu – với vai trò chủ động, sáng tạo và bền vững.