Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp ngành CNHT có khoảng gần 500 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT. Hiện, nước ta đang nhập khẩu hàng ngàn linh phụ kiện các ngành công nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD/năm. Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành Điện tử và Ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD). Các Doanh nghiệp CNHT Việt Nam đang hết sức cố gắng vươn lên để có thể chiếm lĩnh được thị phần rất tiềm năng, còn bỏ ngỏ này.
Theo mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về CNHT, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 Doanh nghiệp CNHT và đến năm 2030 có khoảng 2.000 Doanh nghiệp CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, trên thị trường nội địa chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam đang có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026
Điều đáng mừng là Đảng, Nhà nước đã xác định rất đúng đắn chủ trương tập trung mọi nguồn lực để phát triển nhanh - mạnh ngành công nghiệp nói chung và CNHT Việt Nam nói riêng. Do đó, các cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, khó khăn dành cho các doanh nghiệp vẫn còn, đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để phát triển ngành CNHT Việt Nam theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan 9 giải pháp. Đó là, sớm xây dựng Luật CNHT, trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất; thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp CNHT; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam; quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết; có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn để tài trợ vốn ưu đãi cho các Doanh nghiệp CNHT Việt Nam; Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ, chính sách thuế, đầu ra cho sản phẩm để trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT tham gia sản xuất; cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản) để có khả năng sản xuất, liên kết tham giá chuỗi sản xuất của Nhật bản và toàn cầu; kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT; có chính sách ưu đãi khuyến khích các thanh niên Việt Nam khởi nghiệp trở thành các doanh nhân – doanh nghiệp CNHT 100% Việt Nam.