Ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hỗ trợ đã chủ động đầu tư công nghệ tìm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, vượt qua nhiều thách thức, đáp ứng được các muôn vàn điều kiện do các tập đoàn FDI mở ra.
Đầu tháng 12/2023, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh đã đưa vào hoạt động nhà máy cơ khí chính xác tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (TPHCM). Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 183 tỉ đồng, năng lực sản xuất khoảng 560 tấn sản phẩm/năm.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ Sintering để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chi tiết máy chính xác. Công nghệ này có tính thân thiện với môi trường, tỉ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (khoảng 95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (khoảng 45%). Với công nghệ này, công ty có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, giá thành thấp. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Thành phố còn chủ động kết nối để tạo sức mạnh cạnh tranh, cung ứng ngày càng đa dạng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất tại nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh.
Năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào Việt Nam, trong đó, TPHCM là một trong 10 thành phố của cả nước có triển vọng tốt về môi trường đầu tư, đón dòng vốn FDI khá mạnh, với tỉ trọng đầu tư vào công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo là khá cao.
Báo cáo mới nhất vừa được Cục Thông kê TP. Hồ Chí Minh công bố, trong quý 1/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) ước tăng trên 6,54%. Nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ phát triển khả quan, nhất là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 5,37%, sản xuất công nghiệp đang có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Thành phố vẫn là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 247 dự án FDI, tăng 14,4% nhưng quy mô vốn hiện khá thấp khi đạt 0,44 triệu USD/dự án, chỉ đạt 81% so với quy mô cùng kỳ (quý 1 năm 2023 vốn đạt 0,62 triệu USD/dự án).
Định hướng phát triển công nghiệp TPHCM, ngoài 4 ngành công nghiệp chủ lực, Thành phố sẽ phát triển 5 ngành công nghiệp mới, gồm điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược, robotic tự động hóa và các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Việc các doanh nghiệp hỗ trợ chủ động đầu tư công nghệ, đáp ứng được tiêu chuẩn, kỹ thuật của quốc tế không chỉ là đòn bẩy để nâng cao giá trị gia tăng nội địa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.