Ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những bước nhảy vọt, trở thành đòn bẩy quan trọng đưa các ngành kinh tế của tỉnh tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa gắn với nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 45,45% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất ti vi thuộc dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức KH&CN, nhà khoa học, để đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, thân thiện với môi trường. Một trong số những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng khoa học và công nghệ để giảm bảo vệ môi trường là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh. Đơn vị này đã sử dụng công nghệ lò than phun tiên tiến, lắp đặt các thiết bị hiện đại để xử lý môi trường triệt để; gắn các thiết bị giám sát thông số môi trường tự động để đo nồng độ khí O2, CO2, CO, NOx, SOx, bụi của khí thải để từ đó điều chỉnh chế độ cháy và các hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng từ quá trình hoạt động của Nhà máy tới môi trường. Công ty CP Gốm Đất Việt đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 11 kỷ lục và tặng kỷ niệm chương “Tinh hoa kỷ lục” nhờ ứng dụng hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, sử dụng robot trong nhiều khâu sản xuất. Công ty CP Thanh Tuyền Group sử dụng xỉ đáy và tro bay nhà máy nhiệt điển sản xuất được gạch không nung.
Các đơn vị ngành Than từng bước làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến như vì chống thủy lực, giàn mềm, tời cáp treo chở người, máng cao, tàu điện, khởi động từ, biến áp phòng nổ… đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác than và đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính. Hệ thống bệnh viện đã và đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, công nghệ AI vào khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Ngoài ra, hoạt động KH&CN cũng đã ghi dấu ở nhiều ngành, lĩnh vực khác, nhất là đã tạo được nền tảng để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của tỉnh. Trong đó, hạ tầng CNTT của tỉnh đã có những bước nhảy vọt mạnh mẽ.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Có được kết quả như hiện nay phải khẳng định rằng, hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực KH&CN của Quảng Ninh thời gian qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN, qua đó, tạo môi trường và động lực để KH&CN và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến KH&CN cũng được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng KH&CN với phương châm có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc tăng cường đầu tư cho KH&CN đã ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của tỉnh. Điển hình như việc đưa vào khai thác, vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, tạo đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên diện rộng góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính công trong phục vụ nhu cầu của người dân.
Các đơn vị ngành Than đã áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác than.
Tỉnh cũng đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành nơi ươm mầm, đào tạo nhân lực, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp; đồng thời đầu tư xây dựng Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh đó là duy trì đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển trong tình hình mới. Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các sở, ngành, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp sức, khích lệ.
Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Với mục tiêu này, ngành KH&CN Quảng Ninh sẽ tập trung vào 3 điểm đột phá để tăng cường hơn nữa vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo là xây dựng cơ chế; tạo sự đột phá về hạ tầng công nghệ; và nguồn nhân lực KH&CN, từ đó áp dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.