Đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh: Tạ Hải
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) mở ra cơ chế mới thu hút vốn đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã quy phạm hóa các chính sách thành các quy định cụ thể mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt.
Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).
Dự thảo Luật cho phép địa phương dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Điểm nổi bật trong dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi là việc bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (mô hình TOD) nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện.
Theo quy định mới, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất đấu giá nhằm phát triển đô thị.
Tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt địa phương sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương cấp tỉnh. Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ phân chia tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh.
Một điểm đáng chú ý khác, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung quy định về cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Theo các chuyên gia, quy định này sẽ giúp tăng cường sự tham gia của tư nhân vào ngành đường sắt, nâng cao chất lượng khai thác, giảm áp lực tài chính cho Nhà nước và đảm bảo sự kiểm soát đối với tài sản công.
Thực tế, hình thức chuyển nhượng có thời hạn giúp Nhà nước không mất quyền kiểm soát đối với hạ tầng quan trọng. Sau khi hết thời hạn khai thác, Nhà nước có thể đánh giá lại hiệu quả và điều chỉnh chính sách hoặc tìm đối tác mới.
Đặc biệt, Nhà nước vẫn có thể can thiệp nếu doanh nghiệp khai thác không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hoặc có vi phạm hợp đồng. Đây là một giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững ngành đường sắt Việt Nam.
Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đã bổ sung quy định giao trách nhiệm cho tổ chức quản lý, vận hành khai thác đường sắt phải quy định và duy trì hệ thống quản lý an toàn nhằm nâng cao hoạt động vận tải đường sắt, đặc biệt là với các dự án đường sắt có yêu cầu kỹ thuật cao chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.
Việc quy định như vậy tương đồng với quy định của pháp luật về đường sắt của các nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia có kết nối trực tiếp đường sắt với nước ta. Qua đó, bảo đảm thuận lợi cho công tác vận tải liên vận quốc tế.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt trên cơ sở kế thừa, chỉnh sửa các quy định Luật Đường sắt hiện hành cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, bỏ quy định đối với thủ tục hành chính về thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống, Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý vận hành đường sắt đô thị. Qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các tuyến đường sắt đô thị. Việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống sẽ được tổ chức chứng nhận an toàn độc lập (do chủ đầu tư dự án lựa chọn) thực hiện.
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), tập trung vào các đổi mới mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt nhằm mục đích tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt. Khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Dự thảo Luật cũng cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn. Phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt…