Công phá sức ỳ trong tư duy làm khoa học của người quản lý, nghiên cứu KHCN
Trong năm 2014, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý Nhà nước của Bộ KHCN đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu trong những ngành, lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp, y-dược, môi trường, thông tin. Trong năm qua, Bộ KHCN đã nỗ lực đeo bám, thuyết phục các bộ, ngành liên quan nhằm cụ thể hóa những chính sách mới về KHCN trong Luật KH và CN năm 2013. 7 nghị định, 18 thông tư được ban hành cùng với một số thông tư nữa đang được tiếp tục phối hợp xây dựng thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm chính sách khoa học. Nhờ đó, môi trường pháp lý về KHCN được tập trung hoàn thiện thành hệ thống khá đồng bộ, tạo điều kiện bình đẳng, rộng mở cho mọi thành phần tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa KHCN. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KHCN với sản xuất, kinh doanh thông qua các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương.
Một số thành tựu nghiên cứu KHCN tiêu biểu đã đem lại giá trị kinh tế, xã hội cao trong năm 2014 như: 18 giống cây trồng chính thức, 16 giống cây trồng được công nhận sản xuất thử; sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm hơn 30 đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao; trong lĩnh vực y dược, áp dụng thành công công nghệ sản xuất vaccine rota, trở thành 1 trong 4 nước trên thế giới tự sản xuất vaccine rota phòng tiêu chảy; làm chủ được thiết kế, chế tạo và vận hành máy biến áp 220kV, 500kV đạt tiêu chuẩn quốc tế; trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã đưa vào ứng dụng quy trình dự báo bão trên biển Đông trước 5 ngày, làm chủ công nghệ thiết kế chip vi điều khiển 8 bit… Theo Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2014 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mới công bố, Việt Nam xếp vị trí thứ 71 toàn cầu và xếp thứ 4 trong ASEAN về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành KHCN cũng đã nhận thấy rõ nhiều hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ. Đó là tiềm lực và trình độ KHCN, đội ngũ cán bộ KHCN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành. Do đó, KHCN chưa đóng góp nhiều vào yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng thấp. Trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế vẫn là một thách thức lớn của KHCN. Cùng với đó, ngành còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy, chưa hình thành được các ngành mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thẳng thắn nhìn nhận, bất cập của ngành lớn nhất hiện nay là sức ỳ trong đổi mới tư duy của những người làm quản lý KHCN, những người trực tiếp làm hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Chúng ta hít thở không khi bao cấp quá dài, khi chuyển sang cơ chế thị trường, rất nhiều cán bộ khoa học và cán bộ quản lý chưa thích nghi kịp với những cơ chế mới của nền kinh tế thị trường. Hoạt động khoa học không đáp ứng được tính đổi mới, tính linh hoạt và tính đặc thù của thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém này là công tác truyền thông KHCN chưa tương xứng với tốc độ đổi mới của nền kinh tế và chưa tạo ra được tinh thần KHCN trong mỗi người, mỗi doanh nghiệp, trong xã hội. Hầu hết viện, trường, trung tâm nghiên cứu của chúng ta dựa vào tài trợ từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho KHCN.
Triển khai các chính sách KHCN vào cuộc sống
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ KHCN vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới đổi mới hoạt động KHCN. Năm 2015, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ là triển khai, đưa các chính sách, cơ chế này vào thực tiễn sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách mới mà ngành đã nỗ lực xây dựng trong năm qua. Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, năm 2015 được ngành KHCN xác định là năm triển khai, đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng, thương mại hóa sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH bền vững, hạn chế các đề tài, dự án không có địa chỉ ứng dụng, cất ngăn kéo.
Rõ ràng, để đất nước có thể phát triển bền vững, giữ vững được độc lập chủ quyền, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân thì cần phải có tiềm lực KHCN mạnh. Thời gian qua, ngành KHCN đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng tinh thần KHCN trong cộng đồng, doanh nghiệp, tuy nhiên các nỗ lực cải cách này mới chỉ bước đầu. Để doanh nghiệp thực sự đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ KHCN cần tiếp tục đeo bám các bộ, ngành để có các cơ chế thực sự thiết thực đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự thấy rõ lợi ích trong ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ. Đồng thời, Bộ KHCN phải là đầu mối cùng với giới khoa học nói chung và các bộ, ngành tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ độc quyền, ưu ái, để nguồn lực xã hội được phân phối thực sự dựa trên sức cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp mới dồn sức cho R&D; KHCN mới có động lực phát triển.
Năng lực sáng tạo của người Việt đã được thể hiện qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt của cha ông. Trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao phải khơi dậy sức sáng tạo của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và của toàn xã hội. Để từ những sáng kiến nhỏ ban đầu đến những sáng chế, sản phẩm cụ thể, trong đó không thể thiếu vai trò của các nhà khoa học, tổ chức khoa học cũng như sự hỗ trợ từ Bộ KHCN. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra rằng, bản thân Bộ KHCN cần thay đổi mạnh mẽ, từ việc ra đầu bài nghiên cứu. Muốn hạn chế các đề tài không có địa chỉ ứng dụng, cần giảm những đầu bài do các viện, các nghiên cứu viên đề xuất, tăng cường các đầu bàinghiên cứu từ thực tiễn, các Sở KHCN phải đóng vai trò lớn hơn trong tập hợp các yêu cầu thực tế sản xuất kinh doanh thành những đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, triển khai.
Trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng hiện nay, chúng ta không thể đóng cửa làm khoa học. Hội nhập quốc tế sẽ tiếp cận được các thành tưu KHCN mới nhất, học tập được kinh nghiệm và ứng dụng của các quốc gia đi trước, kế thừa các thành quả KHCN của nhân loại mà không phải nghiên cứu lại từ đầu. Qua đó, có thể bớt gánh nặng tốn kém nguồn lực, chất xám bởi rất nhiều các đề tài nghiên cứu từ đầu của chúng ta thế giới đã thực hiện và công khai. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế đòi hỏi nguồn lực nhất định. Chính phủ đã tăng cường hội nhập, tham gia các tổ chức quốc tế, trong đó có khoa học công nghệ. Bộ KHCN đang quyết tâm xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình viện nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài (V-KIST), nơi có môi trường làm việc tương đương các viện nghiên cứu tại các nước phát triển. Viện này khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tập hợp được các nhà khoa học tài năng Việt Nam bốn phương cùng gây dựng, phát triển đóng góp vào sự phát triển chung của KHCN nước nhà.
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN được ban hành nhiều năm nay nhưng hiệu quả thực tế còn thấp. Thiết nghĩ, Bộ KHCN cần xác định một trong những nhiệm vụ để triển khai chính sách mới trong năm 2015 là việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công trong ngành. Các nhà khoa học được đào tạo, được đầu tư rất nhiều nguồn lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, sau bao năm như vậy mà không tự chủ được thì thật khó hiểu. Giờ đây, bầu sữa ngân sách nhà nước sẽ được giao dưới cơ chế đặt hàng, chú trọng đến kết quả đầu ra của sản phẩm, dịch vụ. Việc thay đổi thói quen, tư duy đã ăn sâu vào suy nghĩ và nếp làm việc không thể một sớm một chiều, song yêu cầu chuyển đổi, thay đổi từ thực tiễn và chính sách là không thể khác được. Việc tự chủ về bộ máy và tài chính sẽ trao quyền chủ động cho các tổ chức KHCN, từ đó thúc đẩy sự tự vận động từ trì trệ đến năng động, hiệu quả, tạo ra những thành quả hữu ích của các tổ chức này.
QV (nguồn: theo Tự Cường, daibieunhandan.vn)