Tại Hội thảo về Cơ chế quan hệ hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCNdo Bộ KH - CN vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng PPP trong thực hiện nhiệm vụ KHCN cũng có chung những tác dụng cơ bản là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; thu hút vốn đầu tư để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các nhiệm vụ mà Nhà nước đảm nhiệm; thay đổi phương thức tổ chức và quản lý để khu vực tư tham gia nhiều hơn, tích cực và chủ động hơn vào các chương trình, dự án công; chia sẻ rủi ro đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Song, cũng có những nét khác biệt riêng so với PPP truyền thống do đối tượng hướng tới là những vấn đề phi vật chất.
Nguồn: ITN
Vì sao cần có PPP thực hiện nhiệm vụ KHCN cũng là câu hỏi được đặt ra. Theo Ths Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Đổi mới công nghệ - Viện Chiến lược chính sách KHCN, đối với lĩnh vực nghiên cứu, doanh nghiệp thường tự đầu tư vào những vấn đề họ quan tâm song cũng có không ít lĩnh vực mà chuyện thu lợi kết quả nghiên cứu không đơn giản là thông qua hình thức bảo hộ, mà tồn tại nhiều rủi ro nên doanh nghiệp ít khi thực hiện riêng lẻ. Đơn cử như một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh muốn sử dụng mỡ cá basa làm nguyên liệu sản xuất nhựa sinh học có khả năng phân hủy nhưng do có quá nhiều rủi ro nên doanh nghiệp ngại đứng ra tự thực hiện mà mong muốn có sự tham gia của những doanh nghiệp khác cũng như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vì vậy PPP sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, là điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiệm vụ về KHCN.
PPP ra đời cũng nhằm giải quyết vấn đề công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đã từng có doanh nghiệp làm kính chắn gió tại khu công nghiệp Tân Tạo gặp phải vấn đề về công nghệ mà không biết làm thế nào để khắc phục. Rõ ràng, với tính chất nhỏ lẻ, tản mạn thì để đáp ứng được yêu cầu của thị trường sẽ rất khó khăn. Vì vậy, sứ mệnh của Nhà nước chính là hỗ trợ để tìm kiếm giải pháp công nghệ cho những doanh nghiệp này.
Không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động, PPP còn là công cụ để giúp Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tụ hợp mọi nguồn lực giải quyết vấn đề KHCN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, quốc gia. Bởi thực tế cho thấy, nhiều hoạt động nghiên cứu, nhiệm vụ về KHCN hiện nay thường bị phân tán và xé lẻ không tạo được nguồn đầu tư tới ngưỡng cho phép. Theo một chuyên gia, PPP xuất hiện theo nghĩa là việc Nhà nước cần làm nhưng làm chưa tới, đơn cử như có những trung tâm thông tin chưa cung cấp được những dịch vụ, giải pháp khi doanh nghiệp quan tâm.
Sự ra đời của PPP cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm một đơn vị trung gian, nắm bắt được doanh nghiệp cần những gì, hay phải tìm ở đâu để đáp ứng nhu cầu, kết nối họ lại với các trường đại học hay viện nghiên cứu. Đây sẽ là cơ chế tạo ra sự tương tác, ưu đãi giúp doanh nghiệp và nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau và thực hiện các dự án.
Những điểm đặc thù
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách KHCN Tạ Doãn Trịnh, thực tế có rất nhiều hình thức mà Nhà nước và tư nhân cùng làm như Nhà nước tài trợ cho khu vực tư nhân khi thực hiện hoạt động KHCN về đổi mới trên cơ sở mang lại lợi ích tích cực cho xã hội. Hay Nhà nước có thể tài trợ cho rất nhiều dự án sản xuất thử nghiệm có xuất xứ từ kết quả của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ như Chương trình Nông thôn miền núivới lý lẽ những hoạt động như vậy của khu vực tư nhân sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho đơn vị thụ hưởng. Những nhiệm vụ này thường xuất phát từ nhu cầu của một bên, khi doanh nghiệp thấy cần sẽ đề nghị nhà nước cụ thể là Bộ KH - CN hỗ trợ. Hoặc do cần quảng bá tri thức địa phương để tạo ra lợi ích cho xã hội nên Nhà nước sẽ chủ động đề xuất đặt hàng. Còn đối với PPP trong nghiên cứu khoa học, Nhà nước với doanh nghiệp sẽ cùng thiết lập mối quan hệ hợp tác, xác định nhiệm vụ có ích cho cả hai bên, cùng nhau thực hiện, cùng nhau khai thác kết quả và cùng chịu rủi ro; xây dựng được quan hệ đối tác chủ động từ hai phía. Sứ mệnh của Nhà nước và lợi ích của tư nhân sẽ gặp nhau khi việc thực hiện nhiệm vụ KHCN thông qua cơ chế này.
Về đóng góp kinh phí, mặc dù các nhiệm vụ liên kết hiện nay cũng do hai bên cùng góp vốn chẳng hạn như vốn đối ứng, tỷ lệ 30 - 70 hoặc 50 - 50 nhưng về bản chất, cơ chế tài chính cũng giống như các nhiệm vụ được cấp 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với một dự án nghiên cứu, nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng vài chục tỷ đồng còn chương trình KHCN trong PPP để nhằm giải quyết sự tản mạn về nguồn lực đang bị xé nhỏ nên đây sẽ là cơ chế hội tụ nguồn lực, không phải vài chục mà nhiều hơn thế. Về tầm cỡ, quy mô theo PPP cũng rất khác so với những hỗ trợ đơn lẻ theo các công cụ hoặc các sân chơi hiện nay đang có.
Vấn đề cần bàn tiếp
Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo đề án này thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm do vậy phải tách bạch nhiệm vụ cụ thể của hai bên, Nhà nước phải thực hiện những nhiệm vụ nào chứ không thể giao hết cho doanh nghiệp. Chỉ khi làm nổi bật được những điểm đặc thù thì mới có cơ sở để ban hành văn bản quy định. Cùng với việc xác định rõ vai trò của nhà nước, chức năng của nhà đầu tư ra sao cũng cần tính tới. Tại sao nhà đầu tư phải thực hiện những công việc mà đáng ra là của Nhà nước? Nếu như chưa chỉ ra được lợi nhuận của nhà đầu tư thì sẽ rất khó có thể thu hút được họ tham gia vào hình thức này. Bởi trên thực tế, đầu tư cho KHCN hiện nay hầu hết đều được ưu đãi tối đa.