Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel (Viettel Manufacturing Corporation-VMC) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị thành viên thuộc Khối Nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là Công ty Thông tin M1 và Công ty Thông tin M3.
VMC được thành lập với sứ mệnh và khát vọng trở thành hạt nhân trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel, đóng góp hoàn thành chuỗi giá trị từ nghiên cứu tới sản xuất của Viettel theo chuẩn mực mới. VMC hướng tới trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thiết bị với các sản phẩm make in Vietnam xuất khẩu ra thị trường lớn trên thế giới.
Các sản phẩm định hướng phát triển của Tổng công ty VMC gồm: Sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, mô hình mô phỏng, radar, điều khiển tự động, cáp quang và tác chiến không gian mạng; hệ thống thiết bị, phần mềm bảo đảm cho hạ tầng mạng lưới viễn thông; các thiết bị thông minh IoT gắn với mạng 5G phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; sản phẩm cơ khí chính xác đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo ngành cơ khí công nghệ cao và ngành điện tử thuộc các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, giao thông vận tải, viễn thông...; nghiên cứu xu hướng công nghệ sản xuất trên thế giới trong ngành cơ khí công nghệ cao và ngành điện tử, đề xuất đầu tư các công nghệ lõi, công nghệ mới phù hợp với chiến lược phát triển của ngành.
VMC đang sở hữu hệ thống nhà xưởng rộng hơn 26ha và 1.300 cán bộ, công nhân viên với nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại như chuỗi dây chuyền SMT ứng dụng công nghệ dán bề mặt công suất khoảng 1.000.000 linh kiện/giờ; hệ thống trang thiết bị cơ khí chính xác công nghệ cao; hệ thống dây chuyền cáp quang. Đặc biệt, khi hệ thống nhà xưởng cơ khí chính xác với diện tích gần 10ha được hoàn thành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất, chế tạo và tích hợp các sản phẩm cơ khí chính xác công nghệ cao của Viettel.
VMC hiện đang giữ vững vị thế nhà sản xuất cáp quang và phụ kiện viễn thông hàng đầu Việt Nam; đơn vị cung ứng cấp 2 về vật tư linh kiện và thiết bị cho ngành hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggitt toàn cầu, phân phối cho các hãng máy bay lớn trên thế giới như Boeing, Airbus... Thị trường xuất khẩu của VMC rộng khắp 3 châu lục Á, Âu, Mỹ.
Một số sản phẩm VMC đã thực hiện cho đối tác hàng không vũ trụ.
Ông Ngô Việt Dũng - Trưởng BU Hàng khôngVũ trụ của VMC cho biết, tầm nhìn của VMC trong lĩnh vực hàng không vũ trụ là dẫn đầu trong sản xuất các sản phẩm hàng không vũ trụ và quốc phòng tại khu vực Đông Nam Á. Sứ mệnh của VMC trong lĩnh vực hàng không vũ trụ là làm chủ các quy trình sản xuất tiên tiến/đặc biệt và cung cấp sản phẩm chất lượng tốt nhất cho khách hàng.
Theo ông Ngô Việt Dũng, tiêu chuẩn khi tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ phải đáp ứng 3 tiêu chí:
Một là, Chứng chỉ: Hệ thống QLCL tuân thủ theo tiêu chuẩn AS9100D. Quá trình đặc biệt (Hàn, xử lý bề mặt, Heat treatment…) tuân thủ theo tiêu chí NADCAP và tuân thủ theo các tiêu chuẩn khách hàng: BAC, PS, …
Hai là, Chuỗi cung ứng: Xây dựng mối quan hệ với người cung cấp có chứng chỉ AS9100D, NADCAP. Xây dựng mối quan hệ các doanh nghiệp cấp 1, cấp 2, cấp 3; đồng thời, tạo lập mối quan hệ hợp tác giữa Nhà cung cấp - Doanh nghiệp - Khách hàng.
Ba là, Nguồn lực: Cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng yêu cầu của ngành (độ chính xác, quá trình đặc biệt…), lưu trữ hồ sơ tối thiểu 10 năm. Nhân sự giàu kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn cao, yêu cầu gắn bó lâu dài. Cơ chế, chính sách nguồn vốn đầu tư dài hạn từ 5-10 năm.
Ông Ngô Việt Dũng cho biết, lộ trình thực hiện để tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ tại VMC bắt đầu từ Xây dựng kế hoạch: gồm Xây dựng kế hoạch, lộ trình để đạt được các chứng chỉ tiêu chuẩn ngành hàng không vũ trụ như AS9100, NADCAP. Đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu ngành hàng không vũ trụ. Mở rộng quy mô nhà máy sản xuất với khu gia công cơ khí và xử lý hóa học chuyên biệt.
Về nhân sự: Tổng công ty thuê chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành để tư vấn, đào tạo. Thành lập nhóm dự án gồm các nhân sự nòng cốt từ các phòng ban, đơn vị có chuyên môn cao, gắn bó lâu dài. Tập trung nghiên cứu, tìm hiểu các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm hàng không vũ trụ và tiêu chuẩn đối với các quá trình đặc biệt.
Sản xuất FAI Đánh giá lấy chứng chỉ: Lắp đặt dây chuyền và sản xuất mẫu đầu tiên (FAI). Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ngành. Đánh giá chính thức và nhận chứng chỉ AS9100, NADCAP.
Chính thức tham gia chuỗi: Chủ động kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi hàng không vũ trụ. Thường xuyên tham gia hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, kết nối với các doanh nghiệp cùng ngành. Báo giá, nhận đơn hàng. Mở rộng chuỗi cung ứng vật tư, gia công tối ưu giá thành sản phẩm. Đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, mở rộng qui mô sản xuất.
Nêu ra bài học kinh nghiệm khi thực hiện tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ, ông Ngô Quốc Dũng cho rằng, về Chiến lược: Xác định chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng 2-3 đối tác chiến lược lâu dài. Cần có sản phẩm trong các lĩnh vực khác có doanh thu ổn định để build-up lĩnh vực hàng không vũ trụ từ 2-5 năm.
Về Chuỗi cung ứng: Xây dựng, mở rộng chuỗi cung ứng vật tư, gia công có khả năng đáp ứng với các gói lớn.
Về Nhân lực: Lựa chọn và đào tạo thường xuyên để nâng cao năng lực. Có cơ chế, chính sách để gìn giữ, thu hút nhân sự gắn bó tối thiểu 10 năm.
Đối với Công nghệ sản xuất: Thường xuyên cập nhật các công nghệ, tiêu chuẩn ngành mới nhất.
Về Thời gian giao hàng: Đảm bảo đúng thời gian theo hợp đồng, không có thỏa thuận.
Công nghệ thông tin: Áp dụng các ứng dụng như ERP, MES, các công cụ quản lý như Lean-Sigma vào hoạt động sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.