Kinh tế phục hồi nhanh
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường với mức tăng trưởng 6 tháng qua đạt 6,42%, riêng quý II đạt 6,93%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp – xây dựng đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong nửa đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều có triển vọng tích cực trong dài hạn đối với Việt Nam.
Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo để đạt tốc độ tăng trưởng 6 tháng cao, như Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hải Phòng (10,32%), Hải Dương (10%).
Về phía cung, khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng là 7,54%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.
Trong tháng 6, có gần 23.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, 119.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường.
Về phía cầu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký nửa đầu năm đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tích cực, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, thuộc mức điểm cao nhất từ năm 2020.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay
Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6% - 6,5%.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu so với cùng kỳ cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Đây là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, nhiều khả năng đạt "cận trên" mục tiêu tăng trưởng (6,5%) cả năm nay.
Dự báo cho cả năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, mức cao nhất trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Với kịch bản này, tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%.
Kịch bản thứ 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó, GDP quý III tăng 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản hồi tháng 4 lần lượt 0,7% và 0,6%.
Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng với nền kinh tế tăng trưởng cao đạt được trong nửa đầu năm, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6-6,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2024.
Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo tình hình kinh tế trong thời gian tới, ngày 18/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, phương châm và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm một cách khá toàn diện, cụ thể, đồng bộ, đề cập tới nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện trong thời gian tới
TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế GTGT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội... Kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi.
Các chuyên gia của CIEM thì cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam sẽ phải lưu tâm xử lý 4 vấn đề: Đó là áp lực lạm phát; khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới; quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đến hết tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024, điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm. Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số khó khăn thách thức trên, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6% - 6,5%.