NCS Đỗ Hải Tĩnh trình bày luận án.
Luận án thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, mã số 952.01.03, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS,TS Đào Duy Trung và PGS,TS Lê Thu Quý.
Sau khi nghe NCS trình bày luận án và trả lời các câu hỏi phản biện, Hội đồng đã thảo luận và thống nhất đánh giá, đây là công trình khoa học nghiêm túc với khối lượng nghiên cứu lớn và có những kết luận mới:
PGS,TS Hà Minh Hùng – Uỷ viên Thư ký đọc Biên bản họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Đỗ Hải Tĩnh.
Về mặt khoa học: Bằng thực nghiệm, đưa ra chế độ hàn plasma hợp lý khi hàn liên kết giáp mối thép không gỉ dạng tấm SUS 304 có chiều dày 2 mm, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu được đánh giá qua bộ tiêu chí đánh giá đặc tính bền. Đưa ra được các mô hình toán học ở dạng đa thức bậc 2 (phi tuyến) là những hàm mục tiêu đầu ra cần tìm, lượng hóa các quy luật ảnh hưởng thay đổi 3 thông số đầu vào đến độ bền kéo (ski); giới hạn chảy (ssi); độ giãn dài tương đối của liên kết hàn plasma phụ thuộc vào 3 yếu tố công nghệ đầu vào gồm cường độ dòng xung plasma mức trên (Ih); cường độ dòng xung plasma mức dưới (Ib); tốc độ hàn (vh). Tổng hợp kết quả thực nghiệm đánh giá các đặc tính cơ – lý vật liệu liên kết hàn plasma thép không gỉ SUS 304 trên mẫu thí nghiệm nhận được ở 27 chế độ hàn khác nhau đối với loại tấm hàn có chiều dày 2 mm, từ đó có thể dễ dàng đưa ra dự báo mức chất lượng liên kết hàn theo yêu cầu (đủ mức cần thiết trên thực tiễn của người sử dụng) trong phạm vi miền khảo sát của các thông số công nghệ đầu vào chủ yếu đã chọn.
Về ý nghĩa thực tiễn, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí thuộc lĩnh vực chế tạo kết cấu hàn và ngành gần như: Kỹ thuật vật liệu ở trình độ đại học và sau đại học tại Việt Nam.
Những kết quả mới của luận án đã đạt được:
Xây dựng được phương pháp luận nghiên cứu thực nghiệm phù hợp với các thông số công nghệ đầu vào và tính năng kỹ thuật của hệ thống thiết bị hàn plasma tiên tiến LINCOLN C3-MATIC 32-33 nhằm đưa ra giải pháp nghiên cứu khảo sát và phân tích đánh giá chất lượng các mẫu thí nghiệm hàn plasma điển hình khi hàn liên kết giáp mối thép không gỉ SUS 304 có chiều dày 2 mm, kết hợp với thử nghiệm phá hủy đến các đặc tính cơ – lý, đảm bảo đủ độ tin cậy kết quả thực nghiệm;
Đã đưa ra được các mô hình toán học biểu diễn quy luật ảnh hưởng của bộ ba thông số công nghệ hàn plasma khác nhau (Ih, Ib, vh) đến hàm mục tiêu cơ tính đầu ra (độ bền kéo – công thức (4.3), ứng suất chảy – công thức (4.4), độ giãn dài tương đối công thức (4.5) ở dạng hàm số đa thức bậc hai với sai số mô phỏng cho phép;
Đưa ra các đồ thị trực quan dạng 2D và 3D để dễ dàng chỉ ra quy luật ảnh hưởng của chất lượng liên kết hàn plasma giáp mối thép không gỉ SUS 304, đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra cho kết cấu hàn của sản phẩm cơ khí cần chế tạo.
Hội đồng đánh giá, chất lượng và hình thức của luận án đáp ứng đầy đủ yêu cầu của luận án tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Viện Nghiên cứu Cơ khí, 100% thành viên hội đồng tán thành, trong đó có 03 phiếu xuất sắc.
Tân Tiến sĩ Đỗ Hải Tĩnh chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng phản biện.
Trong niềm vui và xúc động, NCS Đỗ Hải Tĩnh đã tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giảng viên hướng dẫn khoa học, gửi lời cảm ơn đến Hội đồng chấm luận án cũng như sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cơ khí cùng đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nguồn động viên và cổ vũ tinh thần lớn lao để NCS thực hiện và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Tân Tiến sĩ Đỗ Hải Tĩnh chụp ảnh cùng gia đình, người thân.